Bảo đảm công bằng trong giáo dục, để không ai bị bỏ lại phía sau

Sáng 3/9, phát biểu trước thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh tại Lễ khánh thành, bàn giao công trình Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn (Nghệ An) và chào mừng năm học 2022-2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng trong giáo dục để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt ở vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số càng cần được chăm lo, hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, từng bước phát triển kịp với miền xuôi là quan điểm chỉ đạo lớn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và giáo viên, học sinh Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn (Nghệ An). (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và giáo viên, học sinh Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn (Nghệ An). (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo; khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng giáo dục và đào tạo, xem đây là quốc sách hàng đầu; luôn dành những điều tốt đẹp nhất để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, bảo đảm tất cả các em học sinh, dù ở đồng bằng hay ở miền núi, biên giới, hải đảo, ai cũng được học hành, tiếp cận giáo dục công bằng, bình đẳng.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Cách đây 77 năm, ngày 5/9/1945, 3 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới với những tình cảm yêu thương vô bờ bến và sự kỳ vọng lớn lao vào các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bác Hồ kính yêu nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trong muôn vàn khó khăn, thử thách hiểm nghèo của ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ xác định: dốt cũng là một thứ giặc; thói quen, tập tục lạc hậu cũng là một loại kẻ thù; giáo dục, chống giặc dốt là một trong các nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới...

Nhắc lại những mục tiêu quan trọng gắn với những dấu mốc trọng đại của đất nước được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chăm lo, giáo dục thật tốt cho các em là nền tảng căn bản nhất, là chìa khóa để hướng tới tương lai, giải phóng con người khỏi nghèo nàn, lạc hậu, để có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác giáo dục của các thầy cô đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Qua lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đại diện lãnh đạo nhà trường, địa phương, phụ huynh học sinh và học sinh, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, các thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hết mực yêu thương, dạy dỗ tận tình; không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, động lực để các em say mê học tập, khám phá chân trời mới của tri thức.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng các em học sinh sẽ phát huy truyền thống hiếu học, học giỏi của người dân xứ Nghệ, nỗ lực phấn đấu, học tập chăm chỉ, trung thực, quyết tâm cao; theo đó, “học trước hết cho chính mình, để biết, để làm, để chung sống, để tự khẳng định; học để chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất để ngày mai lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho quê hương, đất nước”.

Dịp này, đề nghị cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng văn hóa học đường trong trường học, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các cấp, các ngành, cộng đồng cần nỗ lực hơn nữa, “để mỗi nhà trường không chỉ có môi trường sư phạm mẫu mực, thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp, mà còn là nơi các tinh hoa, truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương, của dân tộc được nuôi dưỡng, bồi đắp, phát triển trong tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của mỗi em học sinh, của cả nhà trường”.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn phải là mô hình điểm của tỉnh trong xây dựng văn hóa học đường gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai thí điểm mô hình trường Trung học phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa học đường mang nét đặc sắc của vùng rẻo cao Kỳ Sơn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 88/2014/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức giám sát về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong năm 2023 để kịp thời rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm các mục tiêu của Đảng và Quốc hội đề ra được thực hiện đầy đủ, chất lượng.

Nhấn mạnh rằng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng điều kiện hạ tầng kinh tế, xã hội của vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, ngành giáo dục cần sớm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổng kết mô hình trường bán trú, nội trú; rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển các trường bán trú, huy động các nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn cho các em học sinh dân tộc thiểu số.

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2022-2023, Chủ tịch Quốc hội trân trọng gửi tới tập thể Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn nói riêng và toàn thể thầy giáo, cô giáo, các em học sinh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành giáo dục của tỉnh Nghệ An và cả nước luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học mới.

Theo số liệu báo cáo, Kỳ Sơn là huyện biên giới, vùng cao, dân tộc thiểu số, thuộc 1/74 huyện đặc biệt khó khăn nhất của cả nước, cách thành phố Vinh 250km. 99% diện tích Kỳ Sơn là đất đồi núi, diện tích đất bằng chỉ chiếm 1%.

Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn là trường trung học phổ thông duy nhất của huyện Kỳ Sơn với hơn 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số đến từ 21 xã, thị trấn trong huyện.

Trước khi xây trường mới, cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp trầm trọng, không có nhà nội trú cho học sinh và giáo viên, hầu hết học sinh phải tự lo về nơi ăn, chốn nghỉ, cuộc sống để tham gia học tập học, ảnh hưởng đến quá trình học tập và chất lượng giáo dục tại địa phương.

Huyện Kỳ Sơn có 20 xã và 1 thị trấn (có 19/20 xã đặc biệt khó khăn), trong đó có 11 xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có 191 bản (trong đó có 179/191 bản đặc biệt khó khăn, 56 bản biên giới).

Dân số toàn huyện là 82.417 người, gồm 5 dân tộc là Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh và Hoa cùng sinh sống; trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 59,36%. Hiện nay, toàn huyện có 5 xã chưa có đường nhựa vào trung tâm xã; có 72 bản chưa có điện lưới quốc gia.

Năm học 2021-2022, Kỳ Sơn có 72 trường học và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên với 1.086 nhóm, lớp và 30.451 học sinh, đạt tỷ lệ 97,3% học sinh trong độ tuổi ra lớp.

Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được Trungnam Group tài trợ đầu tư 210 tỷ đồng để xây dựng Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn.

Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn được xây mới 245 phòng, trong đó có 45 phòng học, 25 phòng chức năng, 126 phòng nội trú cho học sinh và 126 phòng nội trú cho giáo viên, đáp ứng cho 2.000 học sinh. Trường được xây dựng trên diện tích khoảng 2,6ha với thiết kế hiện đại, khoa học, đạt tiêu chuẩn quốc gia.