Bảo đảm cho lao động nữ để phát triển ngành cà phê bền vững

Bảo đảm cho lao động nữ để phát triển ngành cà phê bền vững

NDO - Thông qua các khóa đào tạo về An toàn vệ sinh lao động, 160 phụ nữ làm việc trong ngành cà phê tại Sơn La và Hà Nội đã được tập huấn các kiến thức để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho bản thân tại nơi làm việc. Đây là một phần của dự án “Trao quyền và Phát triển kỹ năng cho lao động nữ trồng cà phê và nhân viên cà phê về an toàn tại nơi làm việc” của Công ty TNHH Xã hội Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam (IWCA Vietnam).

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG CHO LAO ĐỘNG NỮ TRỒNG CÀ PHÊ

Là một doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận với sứ mệnh nâng cao vai trò của phụ nữ trong ngành cà phê, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số, trong năm 2022, IWCA đã triển khai dự án “Trao quyền và Phát triển kỹ năng cho lao động nữ trồng cà phê và nhân viên cà phê về an toàn tại nơi làm việc”, giúp mang lại những tác động tích cực cho phụ nữ trong cộng đồng trồng cà phê tại Việt Nam.

Chị Lường Thị Thu Vân, 25 tuổi, bản Thạy Lốm 6/1 cho hay, trong quá trình trồng cà phê chị và bà con trong thôn nhận thấy có nhiều khó khăn trong quá trình canh tác, thu hái như đường trơn trượt, mang vác quá số cân. Mọi người cũng chưa ý thức rõ được vấn đề an toàn vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, sau buổi tập huấn, chị Lường Thị Thu Vân chia sẻ: “Chúng tôi đã nhận được các nội dung bổ ích, thiết thực, dành riêng cho phụ nữ về an toàn vệ sinh lao động trong môi trường làm việc của mình. Giảng viên truyền tải các nội dung an toàn vệ sinh lao động, cách sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật, làm như thế nào để cải tiến vật dụng trong môi trường làm việc của chúng tôi”.

Bảo đảm cho lao động nữ để phát triển ngành cà phê bền vững ảnh 1

Sau các buổi tập huấn, các chị em đã có ý thức dùng đồ bảo vệ trong quá trình canh tác cà phê.

Không chỉ được nâng cao về vấn đề an toàn lao động trong quá trình canh tác cà phê, các nữ nông dân ở Sơn La còn được trang bị thêm kiến thức về giáo dục trẻ em, giáo dục tài chính gia đình để nâng cao đời sống.

Ngoài ra, một số nữ nông dân được chọn đã được đào tạo các kỹ năng cần thiết để trở thành những hướng dẫn viên địa phương, có thể tổ chức tour du lịch sinh thái, mở ra cơ hội việc làm và thu nhập mới.

Do đó, dự án không chỉ nâng cao nhận thức về an toàn cho lao động nữ mà còn mở rộng các cơ hội để phụ nữ vươn lên, phát triển bản thân và cải thiện kinh tế gia đình. Đây là một dự án ý nghĩa, trao quyền và tạo điều kiện để phụ nữ trong cộng đồng trồng cà phê phát triển đầy đủ và toàn diện.

Nói về việc cho ra đời dự án, chị Lê Thị Hằng, đại diện IWCA Việt Nam cho biết: “Thực trạng hiện nay cho thấy rằng lao động nữ trong ngành trồng cà phê ở các cộng đồng như Sơn La và Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn. Họ thường phải đối mặt với thiếu quyền tự quyết, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trong môi trường lao động. Không những vậy, an toàn tại nơi làm việc cũng là một vấn đề nghiêm trọng trong ngành cà phê”.

Chị Hằng lưu ý, ngay cả nhân viên pha cà phê cũng thường phải làm việc trong môi trường có nguy cơ chứa nhiều tiềm ẩn nguy hiểm về sức khỏe và an toàn, như tiếp xúc với hoá chất và thiết bị phức tạp.

Bởi vậy, nhận thức rõ ràng về thực trạng và khó khăn mà lao động nữ trồng cà phê đang phải đối mặt, cùng với thách thức về bảo đảm an toàn tại nơi làm việc trong ngành cà phê tại Việt Nam, dự án “Trao quyền và phát triển kỹ năng cho lao động nữ trồng cà phê và nhân viên cà phê về an toàn tại nơi làm việc” được ra đời.

GIÚP CỘNG ĐỒNG NGÀNH CÀ PHÊ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

IWCA mong muốn, bằng dự án này, một mô hình thành công về quản trị rủi ro an toàn lao động cho nữ nông dân sẽ được hình thành để từ đó lan rộng và ảnh hưởng tích cực đến các vùng khác. Điều này có thể khuyến khích các tổ chức và chính phủ đầu tư và hỗ trợ các dự án tương tự, tạo ra sự thay đổi bền vững trong cộng đồng ngành cà phê phát triển bền vững.

Kể từ khi hình thành, dự án đã tổ chức tập huấn cho 10 trưởng nhóm và lãnh đạo nguồn (ToT) đến từ huyện miền núi Mai Sơn, Sơn La về các chủ đề giáo dục trẻ em và giáo dục tài chính gia đình, quản trị rủi ro an toàn lao động cho nữ nông dân trồng cà phê.

Bảo đảm cho lao động nữ để phát triển ngành cà phê bền vững ảnh 2

Các chị em tham gia dự án được trang bị các kiến thức bảo đảm an toàn trong quá trình trồng cà phê.

Bày tỏ phấn khởi được lựa chọn tham gia vào dự án, chị Tòng Thị Ín, bản Thộ Pát nói: “Qua 3 buổi tập huấn, chuyên gia giảng dạy rất kỹ, bản thân tôi và những người trong địa phương biết được là trước hết mình cần dọn dẹp ngăn nắp các vật dụng trong gia đình, cải tiến những vật dụng để gọn gàng và tiện dụng hơn ngay từ trong gia đình đến các hoạt động trên nương rẫy như trang bị đồ bảo hộ lao động. Tôi thấy nội dung lớp học rất phù hợp với tình hình địa phương chúng tôi hiện tại”.

Dự án cũng lựa chọn ít nhất 30 người tham gia với các nữ nông dân trồng cà phê để giúp các nữ nông dân hiểu rõ hơn về nguồn gốc của cà phê. Đồng thời giúp họ đa dạng hóa thu nhập bằng cách bán thêm các loại trái cây và rau quả khác.

Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức đào tạo về du lịch sinh thái cho 10 người. Sau đó, tổ chức 1-2 tour du lịch sinh thái để tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập từ hoạt động này.

Bảo đảm cho lao động nữ để phát triển ngành cà phê bền vững ảnh 3

Không chỉ kiến thức về trồng cà phê, các chị em còn được cung cấp cách bảo đảm sinh kế, hỗ trợ ngành cà phê phát triển bền vững.

Chị Lê Thị Hằng nói rõ: “Khi 10 phụ nữ được đào tạo đầy đủ kiến thức, chúng tôi sẽ kết nối các đối tác tham quan vùng nguyên liệu. Khi họ trở thành hướng dẫn viên bản địa, thu nhập sẽ được tăng lên xuyên suốt năm (vì cây cà phê chỉ cho thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 2 sang năm). Du lịch sinh thái bao gồm trải nghiệm về cuộc sống, thưởng thức ẩm thực và khám phá các hoạt động của người dân tộc Thái tại Sơn La. Tất cả các hoạt động trong tour này đều mang lại cho họ nguồn thu nhập ổn định hơn”.

Tại Hà Nội, dự án cũng đã đào tạo 110 phụ nữ về nâng cao an toàn lao động tại các trang trại và quán cà phê ở Hà Nội với mục tiêu là bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn cho họ trong quá trình làm việc.

Bảo đảm cho lao động nữ để phát triển ngành cà phê bền vững ảnh 4

TIỀM NĂNG ĐỂ NHÂN RỘNG TẠI NHIỀU QUỐC GIA

Dù mới được triển khai trong một năm qua, dự án đã cho thấy tiềm năng để tiếp tục phát triển và nhân rộng ra nhiều khu vực trong nước và có thể tới nhiều quốc gia khác.

Chị Hằng cho hay, mô hình của dự án tập trung vào việc trao quyền và phát triển kỹ năng cho phụ nữ làm trong ngành cà phê, đặc biệt là những người trồng và thu hoạch cà phê. “Đây là một nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi trong xã hội. Việc trao quyền cho họ sẽ giúp cải thiện đời sống và vai trò của phụ nữ”.

Bên cạnh đó, mô hình tập trung vào việc đào tạo kỹ năng cho phụ nữ để tăng thu nhập, cũng như kỹ năng về an toàn lao động. Đây là những kỹ năng thiết thực giúp phụ nữ được bảo vệ và có thu nhập ổn định hơn.

Bảo đảm cho lao động nữ để phát triển ngành cà phê bền vững ảnh 5

Các chị em tham gia dự án được tập huấn bài bản, chuyên nghiệp.

Từ góc độ quản lý ngành, dự án đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết về nguồn gốc cà phê và đa dạng hóa thu nhập cho người trồng cà phê. Việc kết nối nông dân trồng cà phê với phụ nữ nông dân giúp xây dựng môi trường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.

Nhìn chung, dự án không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho lao động nữ trồng cà phê và đội ngũ pha chế mà còn đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế và an toàn cho ngành cà phê Việt Nam.

Trên góc độ quốc tế, đại diện của IWCA đánh giá, ngành cà phê có sự tham gia lớn của phụ nữ ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Do đó, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng ở các quốc gia khác có ngành cà phê phát triển.

“Mô hình đã được kiểm chứng là mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và có thể mở rộng quy mô. Vì vậy hoàn toàn có thể nhân rộng ở nhiều quốc gia khác có hoàn cảnh tương tự để giúp đỡ phụ nữ dễ bị tổn thương trong ngành cà phê”, đại diện IWCA nói thêm.

“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

back to top