Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội được xây mới, sửa chữa, cải tạo khang trang, hiện đại với trang thiết bị được đồng bộ, sẵn sàng bước vào năm học mới 2024-2025. Trong năm học này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh với hơn 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Trước thực tế số học sinh toàn thành phố mỗi năm tăng từ 40.000-60.000 em, chính quyền các cấp cũng như ngành giáo dục đã có những giải pháp kịp thời, bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh cư trú trên địa bàn thành phố.
Giáo dục Thủ đô có nhiều khởi sắc
Với mục tiêu không để học sinh nào thiệt thòi, ngay khi kết thúc năm học 2023-2024, các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trên địa bàn thành phố đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, cũng như xây dựng bổ sung, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư.
Chuẩn bị năm học mới, tại huyện Chương Mỹ, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Mai A cho biết, năm học 2024-2025, trường có hơn 1.800 học sinh, trong đó đón hơn 300 học sinh lớp 1 chia làm 9 lớp. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã tiến hành tu bổ, bổ sung trang thiết bị đồ dùng dạy học; sửa chữa bàn ghế, thiết bị điện chiếu sáng.
Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, dù trong thời gian nghỉ hè hay thời điểm cận kề năm học mới, các thầy, cô vẫn tích cực tham gia các chương trình tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới, bồi dưỡng chính trị hè. Đặc biệt, các giáo viên tích cực giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm dạy học giáo dục lịch sử địa phương....
Trường tiểu học Xuân Mai A (huyện Chương Mỹ) tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. |
Đáng chú ý, công tác chuẩn bị năm học mới tại quận Hoàng Mai được đánh giá khẩn trương, chu đáo, đã phần nào khắc phục tình trạng quá tải trong năm học mới. Năm học 2024-2025, quận Hoàng Mai có thêm 4 ngôi trường mới. Trong đó riêng tại phường Hoàng Liệt - địa bàn có mật dân cư cao nhất quận có thêm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học phổ thông.
Trường tiểu học Trần Phú (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) cũng vừa được hoàn thiện để kịp đón năm học mới. Với gần 900 học sinh trên tổng số 24 lớp học, nhà trường có sĩ số “đẹp như mơ”, hoàn toàn đáp ứng các điều kiện dạy và học.
Cô giáo Bùi Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú chia sẻ, trường có 30 lớp học, 11 phòng chức năng và được trang bị đồng bộ các trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện, các học sinh trong trường đã nhận được sách giáo khoa và sẵn sàng bước vào năm học mới.
Năm học 2024-2025, học sinh hai thôn: Thuận Tốn và Đào Xuyên (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) sẽ được học tại ngôi trường vừa khánh thành - Trường tiểu học Đại Hưng. Đây là 1 trong 2 trường học vừa được xây mới, hoàn thiện và đưa vào sử dụng của huyện Gia Lâm trong năm học này. Đón 738 học sinh trong tổng số 20 lớp học, bảo đảm sĩ số theo quy định, Trường tiểu học Đại Hưng được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ với các phòng chức năng, phòng đa năng, phòng Khoa học công nghệ, Mỹ thuật, tiếng Anh, nhà thể chất, bếp ăn, phòng tư vấn tâm lý học đường cho học sinh.
Cô giáo Phùng Thị Anh Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Hưng phấn khởi cho biết, mặc dù còn gần hai tuần nữa năm học mới bắt đầu, nhưng các cán bộ, giáo viên nhà trường đã tới trường để vệ sinh, chuẩn bị cho ngôi nhà mới, sẵn sàng chào đón học sinh tới trường. Trường được xây dựng nhằm giảm tải bớt cho Trường tiểu học Đa Tốn. Vì vậy, sĩ số học sinh chỉ khoảng 36 học sinh/lớp, nhân dân trên địa bàn rất phấn khởi.
Trường tiểu học Đại Hưng (huyện Gia Lâm) chuẩn bị sách giáo khoa và tài liệu học tập phục vụ năm học mới. |
Không khí chuẩn bị cho năm học mới ở ngôi trường lân cận – Trường tiểu học Đa Tốn cũng rộn ràng, náo nức. Với sự “chia sẻ” của Trường tiểu học Đại Hưng, năm học 2024-2025, Trường tiểu học Đa Tốn được phân tuyến tuyển sinh học sinh thuộc 3 thôn: Ngọc Động, Lê Xá, Khoan Tế và 1 phần học sinh trong Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 1.
Theo cô giáo Lê Thị Mỹ Nga, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Đa Tốn, toàn trường có 1.027 học sinh với 30 phòng học, 5 phòng chức năng, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đều sẵn sàng cho năm học mới. Sĩ số khoảng 35 học sinh/lớp là điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên giảm áp lực, nâng cao chất lượng dạy và học.
Trường tiểu học Đa Tốn (huyện Gia Lâm) đã được giảm tải về chỗ học từ năm học 2024-2025. |
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia được huyện tập trung thực hiện. Năm 2024 đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 4 dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trường học. T
rong đó, huyện cải tạo, nâng cấp Trường trung học cơ sở Ninh Hiệp, trung học cơ sở Đặng Xá; xây dựng mới Trường tiểu học Đại Hưng, Mầm non Sao Khuê tại xã Đa Tốn. Thời gian tới, huyện sẽ đầu tư cải tạo, sửa chữa 11 trường phục vụ nâng chuẩn và công nhận lại chuẩn quốc gia, chuẩn bị đầu tư đối với 1 trường liên cấp tại thị trấn Trâu Quỳ và 3 trường trong khu đô thị Vin Ocean Park.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, với mạng lưới trường lớp hiện nay, Hà Nội bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Việc quá tải trường học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn tập trung đông dân cư. Hiện nay, sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2024-2025, quy mô giáo dục thành phố tiếp tục tăng, toàn thành phố có thêm hơn 30 trường học. Với sự chủ động chuẩn bị của các đơn vị, trường học, nhiều bất cập của kỳ tuyển sinh năm học trước đã được khắc phục, không còn hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định không còn cảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp. |
Ngành giáo dục Thủ đô xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Đồng thời, đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường tham mưu chính quyền địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư, địa bàn có khu công nghiệp để xây dựng trường công lập. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường nghiên cứu, tham mưu chính quyền địa phương việc sáp nhập, chia tách trường hoặc gom các điểm trường lẻ phù hợp điều kiện thực tế…