Giáo dục Thủ đô có nhiều khởi sắc

Kết thúc năm học 2023-2024, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục được ghi nhận có nhiều đột phá và dẫn đầu cả nước về thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đổi mới phương pháp dạy học… Kết quả đạt được là sự tâm huyết, sáng tạo, sự nỗ lực của các trường trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ ôn thi của học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Tiến, huyện Chương Mỹ.
Giờ ôn thi của học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Tiến, huyện Chương Mỹ.

Thời gian qua, Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) tiếp tục có nhiều đổi mới và đạt thành tích khá ấn tượng. Kết thúc năm học 2023-2024 cũng là thời điểm trường hoàn thành xây dựng mới khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chỗ học cũng như điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Cô giáo Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cho biết, năm học vừa qua trường đang trong quá trình được đầu tư xây mới cho nên việc dạy học ít nhiều bị ảnh hưởng. Dù vậy, phần lớn học sinh có ý thức phấn đấu, chăm chỉ học tập, rèn luyện và có nhiều tiến bộ.

Theo cô giáo Tô Thị Hải Yến, trường luôn đổi mới công tác dạy và học; tích cực thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, học sinh không chỉ học tốt mà còn phát triển hài hòa cả về trí tuệ, cảm xúc, thể chất. Mỗi năm, hàng trăm giải thưởng quốc gia, quốc tế các môn văn hóa, khoa học, kỹ thuật, thể dục, thể thao trường đạt được là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tiếp tục khẳng định là lá cờ đầu của giáo dục quận Ba Đình và của Hà Nội.

Kết thúc năm học, Trường THCS Giảng Võ có 3.224 học sinh được xếp loại hạnh kiểm, rèn luyện tốt (đạt 99,14%); 28 học sinh hạnh kiểm, rèn luyện khá (0,86%), không có học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình hoặc yếu. Về chất lượng giáo dục, trường có 2.625 học sinh được xếp loại học lực giỏi, 525 học sinh học lực khá. Trong số đó, 376 học sinh có điểm tổng kết bình quân các môn hơn 9,0 và giành được học bổng; 8 học sinh được các thầy, cô giáo chủ nhiệm bình chọn là học sinh xuất sắc tiêu biểu. Năm học này, trường có 17 học sinh lớp 9 đủ điều kiện được xét tuyển thẳng vào lớp 10 THPT chuyên của các trường đại học và các trường THPT công lập...

Thời gian qua, Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã gặt hái nhiều thành tựu và xây dựng thành công mô hình trường chất lượng cao, trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục Thủ đô. Trên chặng đường xây dựng môi trường giáo dục chất lượng cao, Trường THCS Cầu Giấy xác định năm giá trị cốt lõi của nhà trường là năng động, trí tuệ, trách nhiệm, hội nhập và yêu thương. Trường chủ động xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; thường xuyên mời các thầy, cô giáo uy tín tại các trường THPT chuyên và các trường đại học tham gia giảng dạy theo chương trình giáo dục của nhà trường. Hiện nay, tất cả giáo viên có trình độ chuẩn và trên chuẩn, ba giáo viên có trình độ tiến sĩ, hơn 50% có trình độ thạc sĩ; hơn 40% số giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Cô giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho biết, trường là đơn vị tiên phong tiếp cận phương pháp dạy học mới, mang tính hiệu quả cao. Thầy giáo, cô giáo đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ, sử dụng phần mềm trong dạy học để có những bài dạy hấp dẫn, hiệu quả; đồng thời tích cực sử dụng các phương pháp dạy học mở để học sinh được trải nghiệm, làm quen với công tác nghiên cứu khoa học, có khả năng tự học, tự nghiên cứu. Nhờ nỗ lực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, hằng năm, chất lượng giáo dục của trường luôn được bảo đảm với hơn 99% số học sinh xếp học lực giỏi; hơn 80% thi đỗ vào các trường THPT chuyên…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô có nhiều khởi sắc với những kết quả toàn diện ở các cấp học. Quy mô giáo dục Hà Nội đứng đầu cả nước với 2.875 trường mầm non, phổ thông. Trong năm học này, thành phố xây mới, thành lập mới 35 trường học; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 79,86%. Toàn thành phố có 23 trường được công nhận đạt chất lượng cao; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được quan tâm; thực hiện bài bản, khoa học, hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ngành giáo dục thành phố thực hiện nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội như: “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025; “Tiếng trống học bài”; tổ chức biên soạn, ghi hình các bài giảng ôn thi tốt nghiệp THPT để phát sóng trên truyền hình. Cũng trong năm học 2023-2024, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục được ghi nhận có nhiều đột phá và dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,56% (tăng 11 bậc so với năm 2022)… ■