Đánh giá kỹ tác động khi mở rộng phạm vi áp dụng của Luật
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 2/11, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng.
Theo đó, việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Góp ý vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Phước cho biết, dự thảo Luật mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới hầu hết các hoạt động của đời sống xã hội, như: việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác; văn bản thừa kế, kết hôn, ly hôn, khai sinh, khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác…
Để bảo đảm tính khả thi, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá thêm tác động đời sống xã hội khi mở rộng phạm vi áp dụng trên tất cả các lĩnh vực này. Theo đại biểu, điều này rất cần thiết, bởi khi Luật ban hành có thể thực hiện được ngay, không gây hệ quả pháp lý làm ảnh hưởng đời sống người dân và tăng chi phí xã hội không cần thiết.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) phát biểu trong phiên thảo luận tổ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an toàn thông tin, giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử liên quan đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích bất lợi cho các cá nhân kê khai qua mạng.
Điều 53 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng khi tiến hành các hoạt động giao dịch điện tử”.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Phước đề nghị sửa đổi theo hướng quy định việc bảo đảm an toàn thông tin trong giao dịch điện tử không chỉ được thực hiện theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng, mà còn phải thực hiện theo quy định của Luật Công nghệ thông tin, để bảo đảm tính toàn diện, hệ thống trong đối tượng được điều chỉnh của các luật có liên quan.
Đồng quan điểm với đại biểu Phước, đại biểu Triệu Thị Yến (Đoàn Yên Bái) cho rằng, nội dung của Điều 53 mới chỉ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chứ chưa có sự thể hiện cụ thể trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng.
Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung một nội dung về bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, hoặc quy định vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử quy định trong Điều 53 phải theo hướng viện dẫn Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc.
Quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử
Theo quy định tại khoản 5 Điều 28 dự thảo Luật, một trong những trường hợp để Nhà nước công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài là đối tượng sử dụng chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) tham gia ý kiến thảo luận ở tổ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho biết, nếu quy định như trên sẽ dẫn đến mâu thuẫn với các quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 về nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử, trong đó nêu rõ tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử, tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử.
Mặt khác, quy định này có thể khiến việc giải thích các giao dịch điện tử được thực hiện bởi một doanh nghiệp/cá nhân trong nước với một tổ chức/cá nhân ở nước ngoài sẽ trở nên vô hiệu về mặt pháp lý nếu họ sử dụng chữ ký điện tử hoặc chứng thư chữ ký điện tử do một tổ chức nước ngoài cung cấp, qua đó có thể tạo ra tác động tiêu cực lớn đến các giao dịch quốc tế.
Cũng theo đại biểu, hầu hết các tập đoàn công ty đa quốc gia thường chọn một hệ thống cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử cho toàn bộ hệ thống công ty con, công ty liên kết trong cùng tập đoàn tại tất cả các thị trường để bảo đảm cho việc triển khai và quản lý có hệ thống và đồng bộ. Do đó, quy định như trong dự thảo Luật sẽ tạo ra rào cản đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, dự thảo Luật quy định giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, ngoài nội dung trên, đại biểu Thắng đề nghị bổ sung các quy định về một số nội dung như thời điểm hiệu lực, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, trường hợp hợp đồng vô hiệu, cách thức xử lý trong trường hợp phát sinh lỗi khi nhập thông tin trong giao kết hợp đồng điện tử để bảo đảm giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử.
Đại biểu Tống Văn Băng (Đoàn Hải Phòng) phát biểu thảo luận ở Tổ 12. (Ảnh: DUY LINH) |
Về quyền rút lại thông tin giao kết đã nhập của bên mắc lỗi (điểm a khoản 4 Điều 35), quy định tại dự thảo Luật được hiểu là bên mắc lỗi có thể rút lại thông tin giao kết vào bất cứ thời điểm nào, miễn là thông báo cho các bên giao kết. Theo đại biểu, quy định này trao quá nhiều quyền chủ động cho bên mắc lỗi, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho bên nhận đề nghị giao kết khi đã thực hiện giao dịch theo thông tin lỗi.
Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi cho phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự (khoản 1 Điều 389): bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị.