Hội thảo “Quy định của pháp luật về giao dịch điện tử: Thực trạng và kiến nghị sửa đổi” tại Bình Định

NDO - Sáng 22/9 tại thành phố Quy Nhơn, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy định của pháp luật về giao dịch điện tử: Thực trạng và kiến nghị sửa đổi”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Các chuyên gia, nhà quản lý và đoàn đại biểu Quốc hội của 10 tỉnh Tây Nguyên và Trung Bộ đã tham dự Hội thảo, kéo dài trong 2 ngày 22 và 23/9.

Tại Hội thảo, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà quản lý đã cùng trao đổi, thảo luận các nghiên cứu, đóng góp về các nội dung chính của Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội khóa 11 thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2006.

Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử cùng với các luật chuyên ngành và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, Luật Giao dịch điện tử và hệ thống văn bản hướng dẫn cũng xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ bản bảo đảm sự phân công, phân cấp, phối hợp, thực hiện phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: một số quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, rõ ràng về giá trị pháp lý, gây khó khăn cho việc triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực dịch vụ công; chưa quy định rõ ràng về thông điệp dữ liệu an toàn, chữ ký điện tử an toàn, định danh, xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy dẫn đến hạn chế trong xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong giao dịch điện tử; quy định về giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử còn thiếu, chưa dẫn chiếu cụ thể; một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật giao dịch điện tử không còn giá trị áp dụng thực tế...

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về giao dịch điện tử, làm cơ sở để Văn phòng Quốc hội biên tập thành tài liệu tham khảo cung cấp tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu trong thảo luận, thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).