Vừa qua, tại mỏ đá núi Chuông của Công ty TNHH Khai thác đá Hoàng Dương (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) xảy ra một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến công nhân Dương Văn Sào (sinh năm 1978, trú tại xã Tân Lập, huyện Lục Yên) tử vong. Nguyên nhân được xác định là do trong quá trình cắt đá, khu vực khai thác bất ngờ bị sập khiến đá bắn ra đập vào người anh Sào.
Cũng trong khoảng thời gian này, tại huyện Lục Yên liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn tại mỏ đá khiến hai công nhân tử vong là anh Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1978, trú tại thôn 1, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên), là công nhân Công ty CP Khoáng sản thương mại Đại Phát, đơn vị khai thác tại mỏ đá Tường Phú đang khoan cắt đá đã bị đá vỡ rơi trúng người; công nhân Hoàng Văn Chơi (sinh năm 1984, trú tại thôn Trang Thành, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên) đang làm việc tại mỏ đá Công ty TNHH đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) thì bị đá văng vào đầu gây tử vong…
Từ những vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra tại các mỏ đá dẫn đến chết người đã gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về tình trạng mất ATLĐ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ATLĐ tại các mỏ đá là do các công nhân không có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động, không được tập huấn về ATLĐ.
Các mức xử phạt vi phạm đối với các chủ cơ sở khai thác đá để mất ATLĐ, ô nhiễm môi trường,... chưa đủ sức răn đe khiến các sai phạm tiếp diễn. Quy trình khai thác, thiết kế, phê duyệt và kỹ thuật an toàn trong khai thác đá không được thực hiện nghiêm túc, nhất là các mỏ đá khai thác trái phép.
Thí dụ, theo quy trình phải khai thác, bóc gỡ đất đá từ trên xuống dưới và thực hiện các biện pháp bảo đảm ATLĐ, nhưng nhiều chủ cơ sở thường để công nhân khai thác từ dưới lên khiến chân núi bị rỗng, dẫn đến đất đá đổ sập bất ngờ...
Ngoài ra, còn có nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, thiếu ý thức và cố tình không chấp hành quy định ATLĐ của người lao động (NLĐ); các sự cố do thiên tai như cháy nổ do sét đánh vào máy móc, thiết bị tại khu vực mỏ; sự cố do bão, lũ làm trôi sạt bãi thải ảnh hưởng đến khu vực khai thác đá...
Ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho rằng, để hạn chế các vụ việc gây mất ATLĐ dẫn đến các tai nạn gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho NLĐ tại các mỏ đá, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cả doanh nghiệp và NLĐ trong việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản, về bảo đảm ATLĐ.
Trong quá trình khai thác đá các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác mỏ đá phải tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật như bố trí cán bộ kỹ thuật chuyên ngành tổ chức quản lý, giám sát; có hồ sơ thiết kế, quy trình khai thác; có quy định quản lý, sử dụng thuốc nổ; quy định ATLĐ...
Thường xuyên rà soát lại các quy định pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cấp, các ngành, nhất là những địa phương có mỏ đá để tăng vai trò, trách nhiệm trong giám sát hoạt động từ xây dựng cơ bản, mở tầng tuyến, hộ chiếu thuốc nổ sử dụng... theo đúng thiết kế đã phê duyệt.
Kiên quyết đình chỉ khai thác đối với những mỏ hoạt động không phép và trái phép, ngừng cấp giấy phép khai thác với các mỏ đá hết nguồn, không bảo đảm điều kiện ATLÐ. Kịp thời đóng cửa những mỏ có nguy cơ mất ATLĐ đối với người và thiết bị. Chỉ cho phép tiếp tục khai thác lại sau khi các mỏ này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm ATLĐ trong hoạt động khai thác.
Đổi mới phương thức huấn luyện về ATLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ. Chủ mỏ khai thác đá và NLĐ cần có nhận thức chủ động phòng tránh, lấy phương châm phòng là chính, hạn chế việc để xảy ra tai nạn mới xử lý. Phối hợp các cơ quan liên quan kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm Bộ luật Lao động, Luật Khoáng sản...
Để xử lý các vụ TNLĐ xảy ra tại các mỏ khai thác đá thì căn cứ kết luận của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn; mức độ vi phạm và hậu quả vụ việc.
Theo đó, nếu các vụ tai nạn không gây hậu quả nghiêm trọng và các vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì căn cứ các quy định liên quan để xử phạt hành chính... Nếu TNLĐ dẫn đến chết người mà những chứng cứ cho thấy lỗi hoàn toàn do đơn vị sử dụng lao động, vi phạm tổ chức khai thác thì cơ quan có thẩm quyền có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 227 Bộ luật Hình sự về việc vi phạm các quy định an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng…
Luật sư PHẠM VIẾT LUÂN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)
Theo số liệu từ 62 trong số 63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ TNLĐ, tăng 1.214 vụ, tương ứng 18,66% so với năm 2021. Số người bị nạn do TNLĐ là 7.923 người, tăng 1.265 người, tương ứng 18,99% so năm 2021.
Những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ chết người, gồm: Khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 12,72% tổng số vụ và 12,82% tổng số người chết; xây dựng chiếm 12,23% tổng số vụ tai nạn và 12,76% tổng số người chết; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,11% tổng số vụ tai nạn và 10,11% tổng số người chết;...
(Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 20 mỏ khai thác đá (14 mỏ do UBND tỉnh cấp giấy, sáu mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép). Theo lộ trình từ nay đến năm 2025, tám mỏ do UBND tỉnh cấp phép sẽ kết thúc khai thác và sáu mỏ còn lại sẽ kết thúc sau năm 2025.
Hiện nay việc khai thác chỉ được phép tiến hành sau khi các đơn vị chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản như: thông báo về giám đốc điều hành mỏ có đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và năng lực điều hành, quản lý theo quy định; nộp thiết kế mỏ và báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...
Nếu cơ sở khai thác đá nào để xảy ra TNLĐ, nợ đọng thuế, phí, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc,... thì lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ tham mưu, báo cáo UBND tỉnh đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định Luật Khoáng sản.
TRẦN NHƯ LONG
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh