Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nêu rõ, công tác tư vấn giám định và phản biện xã hội; phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ... là những hoạt động trọng tâm của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Thời gian qua, hệ thống báo chí của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã luôn chú trọng thực hiện đúng nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để hoạt động báo chí của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát huy được thế mạnh, thực hiện đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin hữu hiệu của Đảng, Nhà nước thì các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp hội cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Mục đích của cuộc hội thảo nhằm nâng cao tầm nhận thức, nâng cao kỹ năng để hiện đúng chức năng, đúng trách nhiệm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, từ đó tìm ra giải pháp cho hệ thống truyền thông báo chí của Liên hiệp hội phát triển và sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, mang tính khách quan, tính định hướng cao, thu hút đông đảo bạn đọc.
Theo nhà báo Bùi Hoàng Tám, người nhiều năm phụ trách mục Phản biện trên báo Dân trí (Báo Dân trí), bản chất của phản biện là sự hoài nghi trên cơ sở học thuật và trách nhiệm, để tìm ra những chỗ sai, những chỗ chưa hợp lý và đó cũng chính là tinh thần của khoa học. Muốn thuyết phục, ý kiến phản biện phải khách quan, trung thực, mang tính xây dựng và đặc biệt không có động cơ cá nhân.
Hiện nay, ở một số bài báo, nhất là trên mạng xã hội, thường thiếu tính thuyết phục và đáng lo ngại là thái độ trịch thượng, thiếu tôn trọng người khác, luôn cho là mình đúng và sử dụng ngôn từ không được hoan nghênh. Chỉ có các ý kiến có tính thuyết phục cao và thái độ góp ý tích cực mới được ghi nhận và tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Hà Nội mới cho rằng, ngày nay, không gian mạng ngày càng rộng mở do sự phát triển của công nghệ, môi trường truyền thông cũng vì thế mà hỗn loạn, thông tin tốt-xấu, đúng-sai, thật-giả... lẫn lộn.
Trước thực tế đó, báo chí không chạy theo thông tin, sự kiện vụn vặt mà nên đi vào chiều sâu có độ lùi nhất định và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề. Xu hướng hiện nay là thiên hướng làm báo chí chuyên đề, giám sát xã hội mang tính xây dựng. Nhờ vậy mà chức năng giám sát xã hội của báo chí cũng có nhiều không gian phát huy hơn, phạm vi hoạt động trong xã hội cũng ngày càng rộng hơn.
Ông Lợi cho rằng, đối với báo chí nước ta hiện nay, đi theo khuynh hướng mang tính xây dựng không những có thể giành được không gian phát triển lớn hơn cho hoạt động giám sát xã hội, đề cao vị trí và vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại, mà còn có thể rèn giũa ý thức trách nhiệm cho nhà báo, thúc đẩy nền báo chí cách mạng phát triển bền vững.
Để nâng cao vai trò, hiệu quả cũng như chất lượng công tác tư vấn phản biện xã hội nói riêng cũng như chất lượng hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói chung, Thạc sĩ Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan báo chí tăng cường tham gia vào hoạt động này để các thông tin được lan tỏa rộng rãi hơn, chính xác hơn, góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; các nhà báo cũng thường xuyên trau dồi tri thức, rèn luyện bản lĩnh, để mạnh dạn nói thẳng nói thật, nói công khai, minh bạch một cách độc lập, khách quan các vấn đề cần tư vấn phản biện.
Bà Tuyến cho biết thời gian tới, Ban sẽ xây dựng mạng lưới các cơ quan báo chí gắn bó với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam để mạng lưới này hoạt động đều tay hơn, chất lượng hơn trong hoạt động tư vấn phản biện, qua đó nâng cao được chất lượng của hoạt động này và hoạt động của Liên hiệp hội.