Đoàn khảo sát Ban Chỉ đạo Đề án 103 Trung ương làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

NDO -

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” và “Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” (gọi tắt là Đề án 103) do Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 103 làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và quy chế hoạt động, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng, cho biết: Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, từ 15 Hội ngành toàn quốc và một Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố ban đầu sáng lập và hình thành lên Liên hiệp Hội Việt Nam.

Đến nay đã có 91 Hội ngành toàn quốc và 63 Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố là các hội thành viên, 574 tổ chức khoa học và công nghệ và 3 đơn vị trực thuộc. Tổ chức bộ máy của hội từng bước củng cố, phát triển; số hội thành viên và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tăng lên, thu hút trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức.

Nội dung và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học được triển khai, góp phần tạo môi trường mới để thu hút nhiều trí thức bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có được những kết quả nêu trên là do sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên trong toàn hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Các văn bản quy định về địa vị pháp lý của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở cấp Trung ương và địa phương chưa đầy đủ; thiếu các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, các hoạt động đối với Liên hiệp hội địa phương. Cơ cấu tổ chức bộ máy chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của Cơ quan Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các hội ngành thành viên và tổ chức trực thuộc còn nhiều khó khăn. Các hội ngành thành viên, các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập ít có cơ hội tiếp cận với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ chưa được quan tâm. Các Hội ngành toàn quốc và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn yếu; nội dung và hình thức hoạt động chưa thực sự hấp dẫn trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Cơ chế vận hành của một số Liên hiệp hội địa phương và một số Hội ngành toàn quốc chưa năng động, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới sáng tạo.

Hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có. Thiếu sự chủ động kết nối và hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội…

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, từ khi quyết định thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Đảng ta đã xác định rõ chức năng nhiệm vụ, vai trò là nòng cốt tập hợp đoàn kết, vận động và phát huy được tinh hoa trí tuệ của mỗi trí thức Việt Nam để đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí ghi nhận những đóng góp của Liên hiệp Hội, nhất là trong công tác dân vận bảo đảm thực hiện và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Mặt khác cũng yêu cầu, cần quản lý tốt hơn, chỉ đạo hiệu quả hơn nữa các tổ chức khoa học và ứng dụng của các hội ngành thành viên; tăng cường chủ động bám sát trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội.