Bánh chưng xanh lên "vùng biên" Quảng Ngãi

NDO - Mang cái Tết yêu thương cho trẻ em vùng cao, những người lính, thầy cô giáo bám trụ núi cùng nhau gói bánh chưng xanh khi tết cận kề. Bánh chưng lần đầu tiên về vùng núi xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi sưởi ấm thêm cho con trẻ trong rét buốt của núi rừng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ công an huyện Sơn Tây gói và nấu bánh chưng dành tặng cho học sinh nghèo.
Cán bộ, chiến sĩ công an huyện Sơn Tây gói và nấu bánh chưng dành tặng cho học sinh nghèo.

Bánh chưng cho con trẻ

Đầu giờ học, Đinh Văn Hồng rộn ràng cùng nhóm bạn Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Liên xếp hàng ngay ngắn chờ nhận bánh chưng xanh của thầy cô giáo và các chú công an huyện. 10 tuổi, vỏn vẹn chưa đầy 15kg, Hồng lọt thỏm giữa các bạn cùng lớp 5B. Siêu nhỏ nhất trường, Hồng nhút nhát, e dè. Nhận bánh chưng từ các cô chú trao cho còn hơi nóng vừa nấu đêm qua, Hồng khệ nệ ôm chiếc bánh to hơn đôi bàn tay.

Nhà nghèo ở thôn Tang Tong, cách trường mấy cây số nên Hồng học bán trú tìm chữ. Tết về, được tặng quà và bánh chưng truyền thống, Hồng vui hơn. Qua sách vở, Hồng và bạn bè ở đây nghe về sự tích Bánh chưng bánh dầy nhưng chưa bao giờ thấy chiếc bánh vuông tròn ra sao.

Lần đầu tiên, Hồng thấy chiếc bánh chưng cùng nhân đậu xanh, thịt lợn bên trong nếp trắng ngon lành. “Con chưa biết bánh chưng thật, giờ biết rồi. Bánh con mang về cho cả nhà ăn, tiền cô chú cho thì mua đồ mới mặc Tết”, Đinh Văn Hồng dự tính.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Liên có bốn điểm trường các thôn Đắc Doa, Tang Tong, Nước Vương cùng 315 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Nơi đây, 31 giáo viên bám trụ, cắm bản ở điểm trường chính và các làng trong núi. Những nóc nhà cách xa nhau, con trẻ đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa gió trong những ngày Tết về. Chăm lo thêm cho học sinh nghèo là niềm vui lớn của thầy cô giáo ở vùng này.

Nhận bánh chưng từ cô giáo, Đinh Văn Khoa học lớp 3B mang về lớp cất trong ngăn bàn chờ tan học. Xa nhà, Khoa và chị gái là Đinh Thị Yên học lớp 9 gần trường, ở cùng khu nhà bán trú chăm sóc nhau. Nhận bánh chưng, hai chị em Khoa sẽ có bữa ăn tối cuối cùng ở trường ngon hơn trước khi trở về nhà nghỉ Tết.

“Con mang về tối ăn cùng với chị ở nhà bán trú gần đây. Vài bữa nữa về nhà xa, bánh không để lâu được. Lần đầu tiên hai chị em được ăn bánh chưng này”, Khoa cười.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Liên chia sẻ, lễ, Tết là dịp vui chơi lớn của học sinh vùng cao. Những ngày này, quà bánh, bữa cơm đầy đặn là niềm yêu thương của người lớn dành cho con trẻ. “Cận kề cuối năm nhưng thầy cô cùng cán bộ, chiến sĩ bám trụ địa bàn vùng núi cao này vẫn dành thời gian, tâm sức mang niềm vui ấm về nơi này. Học sinh và bà con còn nghèo nên chút quà, bữa cơm ngon mà các đơn vị trao đều quý với các em học sinh ở đây”.

Tấm lòng của người ở núi

Huyện miền núi Sơn Tây tiếp giáp các huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Nơi đây là vùng biên, cửa ngõ đi về giao thoa giữa các xã miền núi vùng tỉnh lân cận.

Tiếp giáp với xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, xã Sơn Liên cách trung tâm huyện Sơn Tây hơn mười lăm cây số. Đường đi cách trở, những vách núi vừa dọn dẹp đất đá sau đợt sạt lở vẫn còn dù đã bước sang năm mới. Mong muốn mang hương vị tết đến sớm với học sinh ở vùng khó khăn, cách trở của cán bộ, chiến sĩ và thầy cô giáo nhiều hơn.

Tết về, mỗi vùng miền sẽ có món ăn truyền thống khác nhau mang đậm đặc trưng văn hóa, đời sống nơi ấy. Ở nhiều vùng miền tỉnh Quảng Ngãi, cứ Tết về bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình. Cũng như trên xứ Sơn Liên, món bánh chủ đạo trong mỗi nhà sàn người Ca Dong là bánh A Cót. Được gói bằng lá dong, bên trong là nếp gói thành hình tam giác nhỏ gọn. Năm nay, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong gói thành những chiếc bánh chưng lần đầu đến với học sinh vùng núi xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày cận Tết này, cán bộ, chiến sĩ cùng thầy cô giáo vùng cao cùng nhau gói bánh chưng tặng cho trẻ. Trung úy Nguyễn Tấn Vũ, công tác tại Công an huyện Sơn Tây cho biết, lần đầu tiên gói bánh chưng xanh khiến anh và anh em trong đội bối rối. Nếp, đậu xanh, thịt lợn trong khuôn bánh được Vũ gói cẩn thận, vuông vức sau nhiều lần xoay trở. “Mấy bánh đầu chưa quen nên không đều, sau đó thì anh em quen tay. Giờ thì em gói bánh chưng đẹp hơn rồi”, Vũ chia sẻ.

Bánh chưng xanh lên "vùng biên" Quảng Ngãi ảnh 1

Các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Liên trong niềm vui được nhận bánh chưng từ các cán bộ, chiến sĩ và thầy cô giáo.

Sau một ngày đêm gói, nấu bánh chưng, 120 chiếc bánh chưng xanh được cán bộ, chiến sĩ công an huyện Sơn Tây và thầy cô giáo trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Liên trao tặng 120 em học sinh nghèo của trường.

Ở nơi xa xôi, đời sống bà con vẫn còn khó khăn sự sẻ chia cùng con trẻ, bà con đồng bào thêm ấm áp hơn trong ngày Tết.

Vận động, hỗ trợ bà con, chia sẻ tận tình giúp cán bộ, chiến sĩ bám trụ ở vùng cao ngày càng gần hơn với đồng bào miền núi. Công tác ở miền núi, lễ, Tết các cán bộ, chiến sĩ cùng thầy cô giáo tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo cho trẻ con, đồng bào nơi cao hơn, xa hơn.

“Ở đây sạt lở liên tục nên đi lại cách trở, khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lúc nào cũng hướng về nơi xa nhất, khó nhất để đến với bà con dịp Tết nhưng đôi lúc phải chuyển hướng do mưa gió, sạt lở. Tùy lúc, tùy điều kiện đơn vị cùng đồng hành, hướng về bà con. Sự thấu hiểu và chăm lo cùng người dân giúp chúng tôi làm tốt nhiệm vụ cũng như lan tỏa nhiều tình yêu thương với miền núi”, Thượng tá Huỳnh Khắc Dũng, Trưởng Công an huyện Sơn Tây chia sẻ.