Đặc biệt trong năm 2024, Lạng Sơn chính thức khởi động Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
Đây là những điều kiện cần thiết để Lạng Sơn trở thành đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ thông thương hàng hoá của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Hiệu quả từ cửa khẩu số
Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Trọng Hùng cho biết: Sau gần ba năm triển khai, tỉnh đã tạo ra một nền tảng cửa khẩu số sử dụng công nghệ hiện đại như: AI, Bigdata, Cloud ... Đến nay, nền tảng cửa khẩu số của tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, có hơn 2.092 lượt đăng ký tài khoản sử dụng, với 100% các doanh nghiệp khai báo trực tuyến.
Nền tảng cửa khẩu số bảo đảm về an toàn thông tin giúp doanh nghiệp, các lực lượng chức năng thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất để giảm thời gian cho doanh nghiệp thông quan, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch.

Tạo động lực phát triển kinh tế cửa khẩu ở Lạng Sơn
Phó Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Phùng Văn Ba chia sẻ: Nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động đã giảm bớt được rất nhiều thời gian, thủ tục, công sức cũng như khối lượng công việc của công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc tại các cửa khẩu.
Nếu như trước đây mỗi ngày có hàng nghìn lượt doanh nghiệp, thương nhân, lái xe phải đến cửa khẩu để kê khai thủ tục hàng hóa xuất, nhập khẩu. Trung bình doanh nghiệp phải khai báo 5 loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải “chạy đi, chạy lại” nhiều nơi.
![]() |
Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ký kết bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. |
Giờ đây, các doanh nghiệp, thương nhân không cần đến tận nơi để kê khai xuất nhập khẩu, bởi trên ứng dụng cửa khẩu số đã có sẵn tính năng này; doanh nghiệp chỉ mất khoảng từ 2 đến 5 phút là có thể hoàn thành việc khai báo thông tin về hàng hóa, việc theo dõi hàng hóa, phương tiện đang ở đâu và đã được xử lý ra sao sẽ trở nên dễ dàng hơn. Dù còn phát sinh vướng mắc, song hầu hết doanh nghiệp đều đồng tình áp dụng nền tảng cửa khẩu số.
Việc xây dựng cửa khẩu số đã đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và lực lượng chức năng làm việc tại khu vực cửa khẩu. Phó Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu Đinh Trung Kiên đánh giá: Nền tảng cửa khẩu số đi vào hoạt động đã giảm bớt được rất nhiều thời gian, công sức cũng như khối lượng công việc của công chức, viên chức, của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và đặc biệt là các doanh nghiệp làm việc tại các cửa khẩu.
Trước đây, doanh nghiệp phải khai báo năm loại giấy tờ cho mỗi xe, thời gian làm giấy tờ lâu và phải di chuyển xa. Các cơ quan chức năng căn cứ tờ khai tiến hành nhập vào phần mềm riêng để phục vụ thống kê và việc nhập dữ liệu chậm dẫn tới hay bị ùn tắc tại các cổng. Khi áp dụng Nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp chỉ cần khai thông tin một lần và các cơ quan chức năng sử dụng các thông tin này để xử lý, giám sát, thống kê.
Mỗi năm, với hơn 1.000 lượt xe ra vào cửa khẩu, nền tảng cửa khẩu số đã đem lại lợi ích to lớn khi giảm thiểu tối đa được công việc cũng như chi phí thời gian, tiền bạc so với trước đây.
![]() |
Khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) đang từng bước nâng cấp đáp ứng nhu cầu cho xe chở hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới. |
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Nền tảng cửa khẩu số Lạng Sơn là dự án đầu tiên trên cả nước về chuyển đổi số cho khu vực cửa khẩu nên trong quá trình thực hiện không hề có hình mẫu, quy định, hướng dẫn nào có thể tham chiếu, học hỏi được. Song bằng sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh cũng như sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các cơ quan nhà nước, nền tảng cửa khẩu số đã được khẩn trương thực hiện. Điều đó thể hiện rõ nét hình ảnh một chính quyền “kiến tạo, hành động, vì nhân dân”.
Nỗ lực xây dựng cửa khẩu thông minh
Năm 2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân (Trung Quốc) của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã cùng lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết thỏa thuận khung giữa hai bên nhằm cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh.

Lạng Sơn: Khai mạc Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt-Trung
Theo đó, hai bên đồng ý đẩy mạnh xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc và tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).
Thực hiện thỏa thuận này, ngày 17/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Quảng Tây, Trung Quốc).
![]() |
Công chức hải quan Chi cục hải quan Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp. |
Theo đó, việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng.
Đề án bắt đầu triển khai từ quý III/2024 đến hết quý III/2029.
Trong đó, giai đoạn 1 (từ quý III/2024 đến hết quý II/2026), UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh thuộc trách nhiệm Nhà nước.
Còn trong giai đoạn 2 (từ quý III/2026 đến hết quý III/2029) sẽ triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh. Đồng thời tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành mở rộng hạ tầng khu vực cửa khẩu bảo đảm đồng bộ với phía Trung Quốc, trọng tâm là hạ tầng bến bãi.

Tạo đột phá từ cửa khẩu số ở Lạng Sơn
Ông Vũ Quang Khánh, Phó ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết: Thực hiện Đề án cửa khẩu thông minh, trong năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn phối hợp với Trạm kiểm soát biên phòng Quảng Tây (Trung Quốc) tuyên truyền pháp luật cho lái xe chở hàng hóa qua cửa khẩu. |
Trong đó nổi bật là: Phối hợp với Quảng Tây, (Trung Quốc) đồng tổ chức Lễ công bố mở chính thức các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan, (Trung Quốc) từ ngày 27/5/2024; thực hiện quản lý phương tiện vận tải giao nhận hàng hóa qua các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị theo quy định tại Hiệp định, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh là phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ cũng như của tỉnh Lạng Sơn, phù hợp với mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh. Mô hình cửa khẩu thông minh cũng góp phần tăng năng lực, hiệu suất thông quan, nâng cao lợi thế cạnh tranh của tỉnh, thu hút các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển khu kinh tế cửa khẩu thành Trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, xanh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế động lực trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trong giai đoạn hội nhập toàn diện của đất nước, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các khu vực khác trên thế giới.