Gỡ khó cho các dự án dân sinh ở Thủ đô:

Ưu tiên nguồn lực đầu tư trường học

Thành phố Hà Nội phấn đấu từ nay đến cuối năm 2025 có thêm từ 432 đến 552 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 2.040 trường, đạt tỷ lệ 85%. Nghị quyết số 02/NQ-HÐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã giúp các địa phương có thêm nguồn lực để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc về quy hoạch, vốn đầu tư, biên chế giáo viên… cần được thành phố tiếp tục tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học tại Trường mầm non Tuổi thơ (quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Giờ học tại Trường mầm non Tuổi thơ (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Ðã gần 6 giờ chiều nhưng sân Trường mầm non Tuổi thơ (Khu đô thị Ðền Lừ I, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn tấp nập trẻ vui chơi. Các em nhỏ say sưa vận động, nô đùa trong các khu vui chơi mới ở sân trường. Anh Lê Minh Tâm, phụ huynh học sinh ở phố Tân Mai (quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Từ hồi trường được đầu tư xây mới với cơ sở vật chất khang trang, tôi thường đón con muộn hơn bình thường để cho con nán lại chơi thêm. Giữa khu vực đông dân cư mà có một trường học công lập với điều kiện học tập, vui chơi tốt như thế này là rất đáng quý".

Thêm nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia

Không chỉ có sân chơi "hấp dẫn" con trẻ, các phòng học trong Trường mầm non Tuổi thơ cũng thu hút nhiều phụ huynh và các bé. 19 phòng học rộng rãi, trang bị đầy đủ điều hòa, ti-vi, máy chiếu, phòng vệ sinh khép kín…, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn phục vụ dạy và học mầm non. Bên cạnh đó, trường còn có chín phòng chức năng như phòng Tin học, Âm nhạc, Vận động… được trang bị hiện đại.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trường, cô giáo Hoàng Thị Hà, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: "Trường mầm non Tuổi thơ được xây dựng từ năm 2001 với 10 phòng học nhỏ. Trải qua nhiều năm hoạt động, cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu. Trước thực trạng đó, quận Hoàng Mai đã quyết định đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng trường đồng bộ từ nội thất tới các trang, thiết bị, hướng tới đạt chuẩn trường quốc gia mức độ 2".

Năm học 2022-2023, các em học sinh trên địa bàn huyện Mỹ Ðức, huyện ngoại thành xa trung tâm và còn nhiều khó khăn của Hà Nội cũng được học tập tại Trường liên cấp Tiểu học-Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia theo định hướng mô hình chất lượng cao. Ngôi trường được xây dựng đẹp đẽ, khang trang với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, diện tích hơn 25 nghìn m2 với sáu khối nhà chức năng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang, thiết bị học tập hiện đại…

"Qua việc xây dựng Trường liên cấp Tiểu học-Trung học cơ sở Mỹ Ðức tại thị trấn Ðại Nghĩa, huyện mong muốn tạo lập môi trường học tập tiên tiến, giúp học sinh tăng cường phát triển tư duy, kỹ năng thực hành, góp phần tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện, để học sinh trên địa bàn không phải vất vả đi sang các địa phương khác học" - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Ðức Ðỗ Trung Hai chia sẻ.

Qua việc xây dựng Trường liên cấp Tiểu học-Trung học cơ sở Mỹ Ðức tại thị trấn Ðại Nghĩa, huyện mong muốn tạo lập môi trường học tập tiên tiến, giúp học sinh tăng cường phát triển tư duy, kỹ năng thực hành, góp phần tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện, để học sinh trên địa bàn không phải vất vả đi sang các địa phương khác học.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Ðức Ðỗ Trung Hai

Xác định việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã tăng cường, ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho cải tạo, xây dựng mới các trường học trên địa bàn, đáp ứng các tiêu chuẩn. Ðáng chú ý là, ngày 8/4/2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HÐND, quyết định bổ sung gần 94 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo để đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn.

Tính đến đầu năm 2023, trong 139 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục do cấp thành phố quản lý, đã hoàn thành 12 dự án, ba dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023, 48 dự án đã duyệt chủ trương đầu tư và 72 dự án đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư…

Hiện Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, 2,2 triệu học sinh và gần 139 nghìn giáo viên. Trong đó, có 2.255 trường công lập, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia khoảng 80%. Trong hai năm 2021-2022, từ nguồn ngân sách của thành phố, Hà Nội đã xây dựng, cải tạo trường học để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, đã hoàn thành 143 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Năm 2023, thành phố dự kiến công nhận mới 81 trường và công nhận lại 50 trường đạt chuẩn quốc gia; công nhận thêm ba trường công lập chất lượng cao… Ðây cũng là nền tảng quan trọng giúp các nhà trường đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Thủ đô vẫn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội, hiện nay việc triển khai các dự án giáo dục theo Nghị quyết số 02/NQ-HÐND ngày 8/4/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố đang còn một số khó khăn, vướng mắc ở cấp quận, huyện, thị xã về công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Như tại thị xã Sơn Tây, quy hoạch phân khu của thị xã chưa được phê duyệt, cho nên không đủ điều kiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư các dự án ra khu đất mới theo kế hoạch. Một số cơ sở như Trường tiểu học Ðường Lâm, Trường trung học cơ sở Ðường Lâm hiện không thể thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng do không phù hợp quy hoạch Làng cổ Ðường Lâm…

Tại các quận nội thành, quỹ đất dành để xây dựng trường học rất hạn chế. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo nghiên cứu, tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về việc xây trường chuẩn quốc gia. Ðó là cho phép tính diện tích sàn sử dụng thay thế cho diện tích đất trên tổng số học sinh; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng, được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao…

Sở đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo nghiên cứu, tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về việc xây trường chuẩn quốc gia. Ðó là cho phép tính diện tích sàn sử dụng thay thế cho diện tích đất trên tổng số học sinh; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng, được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao…

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội Trần Thế Cương

Lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, để giải quyết quỹ đất xây trường học, quận đã kiến nghị thành phố thu hồi một số ô đất của các chủ đầu tư đã được giao đất nhưng chậm triển khai, giao lại cho quận để thực hiện xây trường học bằng nguồn vốn ngân sách.

Trong khi đó, các huyện ngoại thành "thừa đất" để xây trường nhưng lại khó khăn về vốn đầu tư, kinh phí mua sắm trang, thiết bị phục vụ công tác dạy và học do nguồn thu ngân sách hạn chế. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Ðức Ðặng Văn Cảnh cho biết, hiện nguồn thu ngân sách của huyện chưa cân đối được và còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân sách thành phố, cho nên huyện rất khó khăn trong việc thực hiện phần vốn đối ứng.

Bên cạnh đó, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội dù đã được mở rộng, tăng số lớp học, nhưng do thiếu giáo viên nên vẫn chưa thể thực hiện tách lớp, vì vậy, chưa đáp ứng được tiêu chí sĩ số học sinh theo chuẩn quốc gia.

Theo Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 31/8/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80 đến 85%, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Bên cạnh việc duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020, thành phố phấn đấu công nhận mới từ 432 đến 552 trường công lập đạt chuẩn trong giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch số trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2025 là 2.040 trường trong tổng số 2.400 trường công lập.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Hà Nội đang nỗ lực tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục, văn hóa. Nghị quyết số 02 có những nội dung quan trọng, cấp thiết, là cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cũng như góp phần giải ngân vốn đầu tư công của thành phố. Do đó, thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã, giám đốc các sở, ngành cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung quyết liệt; chủ động rà soát các nội dung tồn tại, lắng nghe những phản hồi từ thực tế để phối hợp với các địa phương, đơn vị để giải quyết và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.