Cần quyết sách đồng bộ, linh hoạt trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Những thách thức và trở ngại

Việc sắp xếp đơn vị hành chính (ÐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2023-2025 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, song cũng khá nhạy cảm, tác động đến hệ thống chính trị của các địa phương. Tuy vậy, với sự chỉ đạo, tuyên truyền đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương, bộ, ngành, nhất là sự đồng lòng của cử tri đã tạo thuận lợi để các địa phương nỗ lực triển khai, thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Khu hành chính của huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) hiện nằm ở xã Nguyễn Việt Khái, sau khi sáp nhập sẽ thuộc thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân.
Khu hành chính của huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) hiện nằm ở xã Nguyễn Việt Khái, sau khi sáp nhập sẽ thuộc thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân.

Mới đây, 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp ÐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các tỉnh: Nam Ðịnh, Sóc Trăng và Tuyên Quang. Ðây là thông tin quan trọng, là làn gió mới để các địa phương sớm triển khai thực hiện sắp xếp các ÐVHC và từng bước ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ÐVHC hình thành sau sắp xếp, nhằm chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Vẫn còn "nút thắt" trong sắp xếp cán bộ, công chức

Việc sắp xếp ÐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước ngày 30/9/2024. Thời gian để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp ÐVHC chỉ còn khoảng hai tháng.

Ðề án số 02/ÐA-UBND ngày 15/3/2024 về sắp xếp ÐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 do UBND thành phố Cần Thơ ban hành, quy định đội ngũ cán bộ, công chức của ÐVHC phường mới thành lập được bố trí số lượng tối đa là 23 người và 14 người hoạt động không chuyên trách.

Với quy định nêu trên, khi phường mới thành lập, có 58 cán bộ, công chức phường và 48 người hoạt động không chuyên trách dôi dư thuộc phạm vi sắp xếp, bố trí sau sáp nhập.

Theo chị Phạm Ngọc Xuyên, công chức Tư pháp-Hộ tịch phường Thới Bình (TP Cần Thơ), thành phố cần tạo điều kiện bố trí việc làm cho cán bộ, công chức phù hợp với năng lực, chuyên môn sau sắp xếp. Cùng với đó cần có chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức trong thời gian chờ bố trí, sắp xếp công việc, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng phù hợp với công việc mới để người lao động an tâm làm việc.

Theo kế hoạch giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nghệ An có một ÐVHC cấp huyện, 89 ÐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Tỉnh đã xây dựng phương án sắp xếp thị xã Cửa Lò và bốn xã thuộc huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh; sắp xếp 92 ÐVHC cấp xã, thành lập 44 ÐVHC cấp xã mới. Sau sắp xếp, dự kiến dôi dư 207 cán bộ, công chức cấp huyện, 799 cán bộ, công chức cấp xã...

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Hưng nhìn nhận, trước mắt sẽ nhiều khó khăn khi Nghệ An có số cán bộ, công chức dôi dư lớn, cần phải bố trí lại. "Trong khi Chính phủ chưa có văn bản nào hướng dẫn phương án bố trí, quy định giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau khi sắp xếp, thì hiện nay cấp tỉnh mới chỉ ban hành được cơ chế hỗ trợ thông qua nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, và không thể quy định được cơ chế, chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ việc", đồng chí Hưng băn khoăn.

Mới đây UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình Hội đồng nhân dân thành phố về chủ trương sắp xếp ÐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Sau sắp xếp, từ 80 phường thuộc các địa phương sẽ hình thành 38 phường mới.

Với phương án sắp xếp này, TP Hồ Chí Minh sẽ giảm từ 249 phường hiện nay, xuống còn 210 phường... Trong đợt sáp nhập này, thành phố sẽ giảm 170 cán bộ, công chức cấp huyện, 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Việc sắp xếp nơi công tác mới đối với nhiều địa phương cũng rất khó khăn khi số lượng cán bộ dư quá nhiều, nhất là số cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản. Ðơn cử ở UBND thành phố Thủ Ðức, trước đây ba quận có ba cấp trưởng, nay thành một thì nhiều cấp trưởng phải chuyển thành cấp phó. Hiện một số phòng, ban ở địa phương này có đến bảy, tám cấp phó (quy định chỉ ba cấp phó). Trong ba năm tới, để sắp xếp số lượng cán bộ ở đúng vị trí, chức năng của mình là bài toán rất khó.

Áp lực liên quan đến thời gian, thay đổi, hiệu chỉnh thông tin

Giai đoạn này, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) sẽ tiến hành nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện tại của Phường 2 (diện tích tự nhiên 0,253 km2, quy mô dân số là 6.748 người) với một phần của Phường 9 và một phần của Phường 4 để hình thành phường mới với tên gọi "Phường 2".

Theo lãnh đạo thành phố Cà Mau, việc sắp xếp ÐVHC sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động... Vậy nhưng, việc sắp xếp nêu trên ít nhiều gây xáo trộn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và một số mặt trong cuộc sống, nhất là liên quan đến việc thay đổi thông tin trên các loại hồ sơ, giấy tờ.

Ông Nguyễn Tấn Thái, hộ dân sống ở Khóm 3, Phường 4 chia sẻ: "Với người dân Phường 2 thì chưa ảnh hưởng, nhưng nhà tôi ở Phường 4 sẽ chịu tác động, bởi tất cả giấy tờ tùy thân và giấy tờ đất đai liên quan phải thực hiện điều chỉnh lại theo tên phường mới. Tôi rất ủng hộ chủ trương này, nhưng nhiều hộ dân ở đây vẫn rất ngại khi phải đi thực hiện những thủ tục điều chỉnh lại như vậy.

Từ năm 1975 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã bảy lần thực hiện việc tách, sáp nhập các ÐVHC cấp huyện, cấp xã. Vấn đề tác động rõ nhất đến người dân chính là việc phải thay đổi giấy tờ. Ðơn cử, khi thành phố Thủ Ðức thành lập vào năm 2021, nhiều người dân đã phải thực hiện thay đổi giấy tờ. Ðối với 19 phường ở các quận khác thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 thì có đến 15 phường tại các Quận 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận (các địa phương thuộc diện sắp xếp lại lần này) với dân số tới hơn 1,1 triệu người, sẽ phải một lần nữa làm lại giấy tờ để phù hợp ÐVHC mới.

Ngoài tâm lý e ngại do biến động, thay đổi thông tin trên hồ sơ, giấy tờ của người dân sau sắp xếp, thì diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các đơn vị cũng sẽ rất lớn, khối lượng công việc gia tăng gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh dẫn chứng: Ở Quận 1, hiện dân số đăng ký chỉ 239 nghìn người, nhưng các cán bộ, công chức các phường tại đây phải phục vụ các thủ tục hành chính khoảng 1 triệu lượt thủ tục hành chính/ngày...

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm, việc sắp xếp số lượng lớn ÐVHC cấp huyện, cấp xã với thời gian rất ngắn (đặc biệt trong giai đoạn 2023-2025), trong khi đây là giai đoạn thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, cũng như thực hiện nhiều chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19... "Dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa những cơ chế, chính sách đặc thù vào thực tiễn, ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay", đồng chí Hồng Thắm lo ngại.

Tại hội nghị tiếp xúc lắng nghe, ghi nhận những thuận lợi, khó khăn trong triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đây, các đại diện bí thư, tổ trưởng khu phố mới bày tỏ nhiều tâm tư về việc sau sắp xếp, khối lượng công việc tăng lên, trong khi nhân sự giảm. Ðó là chưa kể nhân lực cho công tác này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn bởi đội ngũ làm công tác này hiện nay chủ yếu là người lớn tuổi, đã nghỉ hưu.

Khi sắp xếp lại ÐVHC ở Ðồng Nai đã có thay đổi về tên gọi các phường sáp nhập thành phường mới. Một số thông tin của công dân sẽ bị thay đổi, ảnh hưởng lớn đến các quyền lợi của người dân. Do đó, sau thay đổi địa giới hành chính, khối lượng công việc trên các lĩnh vực dự kiến sẽ tăng đột biến, nhất là trong lĩnh vực hộ tịch, căn cước công dân, giấy tờ nhà đất và giấy phép lái xe...

Từ thực tế nảy sinh đó, lãnh đạo thành phố Biên Hòa kiến nghị tỉnh, Trung ương cần sớm có giải pháp, tạo điều kiện, hướng dẫn xử lý các khó khăn phát sinh sau sáp nhập kịp thời, hạn chế tình trạng chậm trễ nhiều trong việc điều chỉnh thông tin của công dân, dễ tạo bức xúc trong nhân dân. Cùng với đó, khối lượng công việc tăng, nhưng hạn chế về số lượng nhân lực cũng chính là những khó khăn, trở ngại cần được hướng dẫn, tháo gỡ.

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 5/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Ban Chỉ đạo sắp xếp ÐVHC tỉnh Nghệ An thống nhất đề xuất không thực hiện sáp nhập xã Quỳnh Ðôi và xã Quỳnh Hậu giai đoạn 2023-2025 và sẽ xem xét thực hiện sáp nhập giai đoạn 2026-2030. Trước đó, Ban Chỉ đạo sắp xếp ÐVHC huyện Quỳnh Lưu và Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An có đề xuất tạm dừng sáp nhập hai xã này do không thống nhất được tên gọi chung. Ðến nay đã có trường hợp được địa phương đưa ra khỏi danh sách sắp xếp ÐVHC đợt này, do không thống nhất được tên gọi mới.

(Còn nữa)

------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 30/7/2024.