Những điểm sáng, cách làm hay
Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Quảng Ninh thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long và chín ĐVHC cấp xã. Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long đã giảm 65 đầu mối cơ quan, đơn vị, 102 biên chế công chức, 91 chỉ tiêu viên chức hưởng lương ngân sách. Trong khi đó, công tác bố trí, sắp xếp số lượng cấp ủy, lãnh đạo quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về số lượng theo quy định sớm hơn hai năm so với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Để tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong các tầng lớp cán bộ, cử tri và nhân dân tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện cơ chế luân chuyển, điều động cán bộ linh hoạt, không bó hẹp trong phạm vi cùng một ĐVHC, bảo đảm đúng quy định, phù hợp năng lực chuyên môn và phát huy trách nhiệm của cán bộ.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng làm tốt công tác động viên, thuyết phục cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý lớn tuổi tự nguyện, chủ động xin nghỉ công tác sớm để dành cơ hội cho người trẻ hơn. Cùng với đó, địa phương chủ động ban hành chính sách và bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ, giải quyết chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nhằm ổn định cuộc sống sau khi nghỉ công tác…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết: Việc sáp nhập thành công huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long đã mở ra một không gian mới, đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử của các địa phương. Với cách làm này, trong quá trình trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, toàn tỉnh không có đơn thư, khiếu nại liên quan đến nội dung này.
"Có thể thấy, qua hơn bốn năm mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển với những cách làm bài bản, khoa học, thành phố Hạ Long luôn duy trì mức tăng trưởng cao", đồng chí Vũ Văn Diện khẳng định.
Thực tế, quá trình thực hiện sắp xếp lại ĐVHC trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng có những băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và cử tri; vấn đề "gợn" lên đó là tâm lý ngại thay đổi, rồi việc giải quyết đội ngũ cán bộ dôi dư, quản lý tài sản và cơ sở vật chất sau sáp nhập như thế nào?...
Huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã từng bước hóa giải những khó khăn, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cùng với thực hiện các bước, quy trình trong sắp xếp ĐVHC bảo đảm chặt chẽ, khoa học, hợp lý và xây dựng phương án bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phù hợp. Huyện Gia Viễn chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Me (huyện Gia Viễn) Nguyễn Thị Hương Sen cho biết: Đảng ủy đặc biệt quan tâm, chỉ đạo đảng viên phải nêu cao gương mẫu, tích cực, chủ động, trách nhiệm trong nghiên cứu các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và trong công tác tuyên truyền...
"Chúng tôi đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thị trấn với cán bộ, cử tri, các tổ chức chính trị-xã hội; làm rõ những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc trong cán bộ, hội viên, đoàn viên... Nhờ đó, đảng viên, cử tri và nhân dân trên địa bàn huyện rất yên tâm, phấn khởi, nghiêm túc thực hiện. Kết quả lấy ý kiến của cử tri, Gia Viễn đạt hơn 94% đồng thuận, nhất trí cao", đồng chí Nguyễn Thị Hương Sen phấn khởi cho biết.
Mấu chốt là cơ chế, chính sách và cách làm
Ngoài công tác triển khai, thực hiện, tỉnh Ninh Bình xác định cơ chế, chính sách là điểm quan trọng hàng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế, cho nên ngay từ năm 2020, HĐND tỉnh Ninh Bình đã "đi tắt, đón đầu" ban hành các nghị quyết quy định công tác cán bộ; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do bố trí, sắp xếp.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan (Ninh Bình) Hoàng Tiến Dũng, sinh năm 1957 cho biết: Trên cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, tôi tích cực vận động 600 hội viên cựu chiến binh thị trấn Nho Quan đồng thuận và trở thành hạt nhân tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, cách làm của tỉnh, huyện.
"Riêng về cá nhân, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, song đã xác định tư tưởng sẽ xin nghỉ (dự kiến cuối năm 2024) và coi đó là việc làm cần thiết, là đóng góp thiết thực của người đảng viên, cựu chiến binh cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện thắng lợi chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn", ông Dũng chia sẻ.
Để thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống về công tác cán bộ, tỉnh Ninh Bình chỉ đạo, hướng dẫn rất rõ ràng, việc làm của cán bộ, công chức, người lao động trong vòng 5 năm không thay đổi, không mất việc; về chức vụ, trong bộ máy lãnh đạo, cấp trưởng chỉ có một, nhưng cấp phó và các chức vụ thì có thể giữ nguyên; từng bước giải quyết, sắp xếp để giữ được người có năng lực ở lại làm việc.
Đây là điều kiện để tinh giản biên chế đối với những người không có năng lực bằng chế độ, chính sách hợp lý; thực hiện luân chuyển cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập sang các đơn vị phù hợp; vận động cán bộ, công chức lớn tuổi về hưu trước thời hạn...
Về chính sách, các đối tượng nghỉ công tác theo nguyện vọng, ngoài hưởng các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn hỗ trợ một lần theo số tháng công tác đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 500 nghìn đồng/người/tháng (số tiền hỗ trợ không vượt quá 150 triệu đồng/người)...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, tâm lý lo mất việc, mất chức là có trong một bộ phận cán bộ, công chức thuộc diện phải sắp xếp. Song với những giải pháp thống nhất, đồng bộ từ cơ chế, chính sách cụ thể, công khai, minh bạch, nhất là cách làm linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, công tác này được cả hệ thống chính trị vào cuộc, cử tri, nhân dân ủng hộ, bảo đảm mục tiêu, thông suốt và các mốc thời gian đạt yêu cầu đề ra.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ TP Hà Nội, Đề án tổng thể sắp xếp ĐVHC đối với TP Hà Nội đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, tác động đến 130 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã. Theo đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư (bao gồm cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) sau sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP Hà Nội là 1.031 người...
Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết: Trước mắt, tất cả cán bộ, công chức của các lĩnh vực tại các đơn vị thuộc địa phương sáp nhập ĐVHC được giữ nguyên, nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động trong giai đoạn này.
"Về phương án thay đổi tên gọi trong hồ sơ, giấy tờ sau sắp xếp được nhiều cử tri, người dân quan tâm, lo lắng, chúng tôi đã phối hợp các sở, ngành liên quan lên phương án xây dựng hỗ trợ tốt nhất cho các tổ chức, công dân trong việc chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ", đồng chí Trần Đình Cảnh khẳng định.
Là địa phương đã linh hoạt trong việc triển khai các cơ chế, chính sách, cũng như thực hiện tốt các chế độ, chính sách quy định của Trung ương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp trên địa bàn. Tuy nhiên, với số lượng cán bộ, công chức dôi dư khá lớn sau sáp nhập, do đó đã có nhiều cán bộ bày tỏ tâm tư, lo lắng về công việc, cuộc sống sau này.
Để tháo gỡ vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường kiến nghị: Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành ở Trung ương cần sớm sửa đổi và ban hành mới các quy định pháp luật nhằm kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm rút gọn về trình tự, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Trên dưới đồng lòng, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống
Nam Định là một trong ba địa phương vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và là địa phương thực hiện rất quyết liệt và sắp xếp ổn định với nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, tài sản dôi dư.
Theo lộ trình, tỉnh sẽ có hai trong 10 ĐVHC cấp huyện và 79 trong số 226 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp. Để giải quyết chế độ cho khoảng 1.100 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp, tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án, lộ trình bảo đảm đến tháng 9/2029 hoàn thành. Ngoài ra, sau sắp xếp, Nam Định sẽ dôi dư 39 trụ sở và đã có phương án giải quyết trong thời hạn ba năm.
Thông tin từ Bộ Nội vụ, theo phương án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025 có 53 địa phương phải sắp xếp lại, trong đó có 49 đơn vị cấp huyện, sau sắp xếp giảm 12 đơn vị; còn cấp xã có 1.247 đơn vị, sau sắp xếp giảm 624 đơn vị. Tính đến ngày 30/6, Bộ Nội vụ nhận 28/53 hồ sơ của địa phương, đã thẩm định 14 đề án và trình Chính phủ năm đề án...
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tinh thần chung, mong muốn các địa phương đồng lòng, tập trung cố gắng hoàn thành sáp nhập huyện, xã trước ngày 30/9, bảo đảm tinh thần nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.
Để bảo đảm tiến độ thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã chỉ đạo: Cần có sự vào cuộc quyết liệt, tích cực cả hệ thống chính trị, nhất là Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm điều phối chung, phối hợp cùng các bộ xây dựng cơ chế tiếp nhận, trao đổi thông tin thông suốt, nhanh chóng với từng thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương; tổ chức thẩm định các đề án sắp xếp ĐVHC của các địa phương, trước khi trình Chính phủ xem xét để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng chính là "làm thật tốt và hiệu quả" công tác truyền thông bằng nhiều hình thức với nội dung ngắn gọn, dễ tiếp cận, có giá trị truyền thông cao; đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết, hóa giải kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở các địa phương trong cả nước... để khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống.
---------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 30, 31/7/2024.