Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Bài 2: Lời giải nào cho sinh kế?

Trao cho họ chiếc “cần câu” hay trao “xâu cá”? Câu hỏi này được đặt ra trong nhiều năm qua trên các văn bản, các diễn đàn nghị sự khi bàn về vấn đề tìm con đường sinh kế, cải thiện và nâng cao đời sống cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn gặp khó khăn. Nhưng đến nay, vấn đề quan trọng này vẫn đang là câu chuyện cần quan tâm nghiên cứu và giải quyết thấu đáo.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào dân tộc thiểu số chế biến các món ăn truyền thống phục vụ du khách.
Đồng bào dân tộc thiểu số chế biến các món ăn truyền thống phục vụ du khách.

Cùng với những tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, chi phối, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa thoát khỏi tư duy “ăn rừng”, chưa thoát khỏi ý nghĩ chỉ cần vừa đủ, không biết cách tích lũy và đầu tư phát triển. Như đã nói, ngày xưa đồng bào có quyền lực với rừng; khi thiếu gỗ làm nhà, thiếu chất đốt, thậm chí cần quan tài chôn người chết đã có sẵn ở rừng; hết cái ăn chỉ cần vác gùi, vác xà gạt vào rừng. Nói khái quát, từ ngôi nhà để ở, miếng thịt, con cá, ngọn rau để ăn đến khố, váy để mặc và ngay cả nhạc cụ để chơi… họ đều được nhận từ rừng. Tư tưởng đó tạo nên tính thụ động, sức ỳ, tâm lý trông chờ, ỷ lại và hậu quả tất nhiên là thiếu sự năng động, thiếu ý thức vươn lên.

Ngày nay, diện tích rừng tự nhiên suy giảm cùng với cách quản lý mới nên một bộ phận cư dân sống dựa vào đặc ân của rừng gần như bị mất đi một nguồn sống quan trọng. Nếu bản thân đồng bào không chủ động tiếp cận với những phương thức mưu sinh mới thì họ tự lùi lại phía sau. Và như vậy, bộ phận người nghèo trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.

Theo Nghị định 07/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Con số nói trên là một nguồn thu nhập vô cùng ít ỏi, vậy mà ở một vùng đất giàu tiềm năng như Tây Nguyên vẫn còn hàng nghìn hộ gia đình không vươn tới nổi.

Một nghịch lý khác, dù Nhà nước đã hỗ trợ vốn, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để những hộ nghèo có thêm nguồn lực, nhưng khi gia đình đó tách hộ thì lại có nguy cơ tăng thêm một hộ nghèo mới và ngay cả gia đình được hỗ trợ ban đầu cũng có thể tái nghèo vì phải chia sẻ một phần của cải cho hộ mới ra đời. Thường thì những hộ nghèo “nhân đôi” ấy có chung một đặc tính là thiếu chí tiến thủ, lười lao động, nhưng lại siêng đàn đúm rượu chè…

Chúng ta cần nhận diện chính xác nguyên nhân vì sao một bộ phận đồng bào không thoát được đói nghèo, lúng túng tìm lối đi, từ đó xác lập cách làm đúng và hiệu quả.

“Xâu cá” hay “cần câu”? Nếu không có sự thay đổi từ nhận thức của đồng bào thì cả hai phương thức đó đều không thể mang lại hiệu quả. Ở một khía cạnh khác, trong những chuyến thực tế, chúng tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện chứng minh về sự kéo lùi tiến trình phát triển do sức nặng tập tục. Ví như tâm lý “ăn chung” vẫn tồn tại trong một số cộng đồng. Không phủ nhận tính nhân văn, nhưng lối sống này cũng gây nhiều hệ lụy. Có cán bộ người Cơ Ho, mỗi mùa thu hoạch được mấy tấn lúa mà gặt xong thì bán ngay hoặc không dám mang về nhà vì sợ “bà con, dòng họ đến xin hết”.

Ở một vài buôn làng, các đoàn thể phát động phong trào trồng rau, nuôi gà đẻ trứng cải thiện cuộc sống, nhưng chỉ sau một, hai năm thì phong trào “chết yểu”; nhà không trồng, không nuôi thì không ngừng xin trứng, xin rau, làm cho nhà tích cực nuôi, trồng chán nản bỏ cuộc. Ở một huyện nghèo, có một cán bộ lãnh đạo huyện người dân tộc thiểu số cộng cư cùng dòng tộc, nhà ông không bao giờ dám khóa cửa, bởi “khi cần thì bà con đến nhà mình tự lấy gạo ăn”.

Cộng cảm và chia sẻ là một lối sống đẹp, nhưng sự bó hẹp trong đời sống cộng cư cùng những tập tục xưa cũ tồn tại kiểu “thú săn được chia đều cả làng” khiến những người có tinh thần tiên phong cũng khó vượt ra khỏi áp lực cộng đồng. Nếu họ thoát ra thì sẽ bị cô lập, mà với đồng bào dân tộc thiểu số thì sự xa lánh của cộng đồng, dòng tộc còn đáng sợ hơn cái chết. Chính cái quyền sở hữu mập mờ chung chung đó đã làm triệt tiêu động lực của không ít người…

Chìa khóa ở đâu? Trước hết, dân vận là công cụ quan trọng nhất. Thời đất nước chiến tranh, những chiến sĩ cộng sản đã bám đất, bám dân, cùng trải đời sống “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói) với đồng bào. Thời bình, công tác vận động quần chúng nhằm mục đích mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Nhưng công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã thật sự hiệu quả chưa, nhất là việc tuyên truyền vận động thay đổi cung cách làm ăn, tìm kiếm cơ hội mưu sinh cho đồng bào nghèo?

Thực tế chỉ ra rằng, ở đâu mà cán bộ, đảng viên có tâm, có tầm, có phương pháp vận động quần chúng tốt thì ở nơi đó cuộc sống của đồng bào ổn định và phát triển. Ở nơi nào cán bộ cơ sở “sáng vác ô đi…” đến trụ sở, đút chân gầm bàn và gõ lên máy tính những bản báo cáo chung chung thì người dân ở đó mất đi niềm tin, mất đi điểm tựa quan trọng. Đồng bào yêu quý những cán bộ, đảng viên cởi giày lội ruộng cùng họ; mở tai lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ; biết tường tận cái tốt, cái đúng để cùng họ loại trừ cái xấu, cái sai; biết cách tìm đường giúp họ vượt qua những mặc cảm, thiếu thốn để vươn lên trong cuộc sống, cải thiện từ những điều nhỏ nhặt hằng ngày…

Nhiều cán bộ ở Tây Nguyên cũng nói với chúng tôi, để thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức mưu sinh của những người lớn tuổi trong cộng đồng rất khó, vì nếp nghĩ cũ kỹ đã bám chắc trong óc, trong tim của họ. Phải tuyên truyền, giáo dục từ lớp trẻ, từ các cháu học sinh và những thanh niên bắt đầu khởi nghiệp. Một số ít trường học ở vùng cao nguyên, nhất là các trường nội trú, đã lồng ghép giáo dục cho các em ý chí tự lực, tự cường, con đường lập thân, lập nghiệp. Các thầy, cô cũng giúp các em thay đổi nền nếp, trực tiếp cầm tay chỉ việc tham gia sản xuất để giúp các em thay đổi tư duy, biết cách tổ chức và vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.

Đặc biệt, những tấm gương các bạn trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh thành công đã góp phần lan tỏa những cảm hứng tích cực đối với cộng đồng. Không ly hương, những người trẻ ấy tự tin bám trụ và lập nghiệp thành công ở nơi chốn mà họ sinh ra. Ngay chính giữa buôn làng mình, họ lớn lên từng ngày về ý chí lập nghiệp, thay đổi tư duy và phương thức làm ăn để tạo lập một cuộc sống giàu có, hạnh phúc. Trên hành trình đó, họ đã vượt qua những rào cản cố hữu về tâm lý và tập quán mưu sinh lạc hậu.

Như chúng tôi đã kể về những bạn trẻ Cơ Ho vùng Xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) hay những thanh niên Ê Đê các buôn cổ trong thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Họ đã biết cách phát huy di sản văn hóa ông cha để làm du lịch thành công, trở thành những mô hình cho thanh niên nhiều buôn làng học tập. Những bạn trẻ người Ba Na như Hồ Thị Viên, Đinh Khek, Đinh A Ngưi (Gia Lai) khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tổ chức kinh doanh, vừa làm giàu cho gia đình vừa hỗ trợ cộng đồng là những tấm gương sáng.

Thanh niên Jơ Jê Ha Mi ở xã Đạ Tông (Đam Rông, Lâm Đồng) đã làm giàu thành công bằng cách sản xuất rau sạch. Bao năm qua, gia đình Ha Mi cũng khó khăn như bao bà con Cơ Ho của mình. Vài sào lúa, ngô luôn khiến cuộc sống gia đình anh khó khăn, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bởi vậy, chàng thanh niên này luôn trăn trở về con đường thoát nghèo.

Từ 80 triệu đồng vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và người thân, Ha Mi đầu tư mua vật tư, thiết bị, cải tạo vườn để trồng các loại rau thương phẩm trên 8.000 m2 đất của gia đình. Sản phẩm làm ra, anh cung ứng cho thị trường trong huyện và các địa phương giáp ranh, mang lại nguồn thu nhập mấy trăm triệu đồng mỗi năm. Hiệu quả kinh tế chưa phải là cao, nhưng thanh niên dân tộc thiểu số biết trồng rau sạch thương phẩm là câu chuyện khá lạ, bởi từ trước đến nay, đồng bào chỉ quen miệng với măng nứa, đọt mây, rau rừng. Chính vì vậy, cuộc chuyển đổi “thói quen rau rừng” sang “tư duy rau sạch hàng hóa” của Ha Mi đã tiếp thêm động lực cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số địa phương trong việc thay đổi tư duy, lựa chọn sinh kế…

Cùng với tiếp tục đổi mới các hình thức vận động quần chúng, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy quá trình khởi nghiệp của các chàng trai, cô gái “da nâu, mắt sáng” trong các buôn làng. Bên cạnh hỗ trợ, cần tạo sự lan tỏa cảm hứng tích cực từ những tấm gương sáng, những mô hình tốt, nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp thành công ngay giữa quê hương. Đó chính là những hình ảnh trực quan sinh động, là tiền đề cho lớp trẻ trong buôn làng học hỏi và nhân rộng mỗi ngày mỗi nhiều thêm. Họ chính là những tín hiệu tích cực, những tác nhân trực tiếp trong cuộc vận động đồng bào thay đổi nhận thức, tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiếp cận những phương thức mưu sinh phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.

-----------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10/9/2023.