Hành trình từ hạt lúa đến hạt gạo

Bài 2: Giải bài toán hiệu quả sản xuất

Danh xưng là vựa lúa quốc gia và xuất khẩu gạo đứng nhất, nhì thế giới, vậy mà nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Công lao làm ra hạt gạo là của nông dân và họ chưa được trả công xứng đáng…
0:00 / 0:00
0:00
Lúa được tập kết và chờ thương lái đến mua tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.
Lúa được tập kết và chờ thương lái đến mua tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Nhận thấy được những bất cập đó, ngành nông nghiệp đã chủ động giảm diện tích đất lúa ở những nơi sản xuất không hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm giảm khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác

Nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 1724 chuyển đổi hơn 7.200ha đất trồng lúa có năng suất thấp sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, thực hiện quyết định này, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động chuyển đổi hơn 4.000ha trồng lúa sang trồng các loại rau màu, bắp; khoảng 1.500ha trồng các loại cây lâu năm, diện tích còn lại chuyển sang nuôi thủy sản...

Ngành chức năng và địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi đất lúa sang các mô hình sản xuất khác đúng quy hoạch và đạt hiệu quả cao.

Nông dân Nguyễn Văn Hải, ở xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã chuyển 0,6ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau ăn lá, chia sẻ: “Trồng rau mặc dù tốn công chăm sóc, nhưng lợi nhuận mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ở khu vực này, thương lái đến tận ruộng thu mua cho nông dân. Nhờ chuyển đổi, cuộc sống gia đình tôi cũng khá hơn”.

Gần đây, tỉnh Bến Tre có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết 120 của Chính phủ và thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Địa phương cũng tập trung rà soát lại đất lúa nhằm quy hoạch lại vùng sản xuất nhằm giải bài toán hiệu quả trong sản xuất lúa.

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 10.000ha từ đất lúa sang cây trồng khác và nuôi thủy sản. Hiện, tỉnh có khoảng 20.000ha đất chuyên sản xuất lúa, trong đó, nhiều mô hình hiệu quả cao nhờ liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu lúa gạo để hướng đến phát triển bền vững.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Hồng Phúc, ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có 0,9ha đất trồng lúa 3 vụ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2013, ông Phúc đã mạnh dạn chuyển đổi 0,3ha sang trồng dừa xiêm xanh xen nhãn tiêu quế; 0,6ha trồng bưởi da xanh.

Ông Phúc cho biết: “Hiện, nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu nhờ vào mảnh vườn này. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi khoảng 15 triệu đồng từ tiền bán dừa, nhãn và bưởi. Tính ra, lợi nhuận cao hơn gấp 5-8 lần so với trồng lúa”.

Giảm diện tích lúa được nhiều chuyên gia, ngành chức năng tính toán kỹ khi một số nước trên thế giới đã trồng được lúa và xuất khẩu được gạo.

Trao đổi vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường đại học Nam Cần Thơ, cho biết, đã đến lúc đồng bằng sông Cửu Long phải giảm diện tích lúa ở những nơi canh tác không hiệu quả, những nơi mà lợi nhuận của nông dân thu về từ lúa gạo không bằng cây ăn trái, thủy sản. Riêng diện tích thích nghi với cây lúa nên giữ lại và tập trung đầu tư nhằm tăng lợi nhuận cho nông dân.

Để hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa, các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre đã chủ động giảm hàng nghìn héc-ta lúa ở những nơi sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất rau màu và cây ăn trái. Từ đó, thu nhập của người nông dân dần được cải thiện.

Liên kết trong sản xuất

Làm gì để nông dân trồng lúa nâng cao thu nhập, thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn và sống được trên mảnh ruộng của mình, đó là những trăn trở không chỉ của nông dân mà còn là của nhà khoa học và Nhà nước.

Trước thực trạng giá cả vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động tăng cao thì mô hình liên kết trồng lúa theo chuỗi giá trị được xem là giải pháp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là nông dân.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) Trương Hữu Trí cho biết, cánh đồng liên kết của hợp tác xã có 500ha và 103 thành viên tham gia trồng lúa. Thời gian qua, hợp tác xã đã liên kết với Công ty Vinaco Đồng Tháp xây dựng vùng sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, lợi nhuận mang lại cho các thành viên khoảng 28 triệu đồng/ha, cao hơn 5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, địa phương đã phát triển được 502 cánh đồng lớn với diện tích lúa 46.000ha và gần 13.000 hộ tham gia. Mô hình xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, giúp nông dân giảm 70% chi phí sản xuất so với canh tác truyền thống. Các địa phương trong tỉnh còn triển khai 7 vùng trồng lúa công nghệ cao với diện tích 1.700ha, năng suất cao hơn sản xuất truyền thống từ 10-20%/ha, giảm chi phí từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ có vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là nông dân. Từ đó, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Để nâng cao lợi nhuận từ trồng lúa, nông dân Phạm Văn Nhựt, ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã áp dụng quy trình sản xuất 3 ha đất lúa theo chuỗi giá trị khép kín. Khi thu hoạch lúa, phần rơm đem về nuôi bò, phân bò bón cho cỏ và lúa; một phần gạo được nấu rượu, lấy hèm cho bò ăn; trấu cung ứng cho cơ sở nuôi gà, đổi lại phần phân gà đem về ủ làm phân hữu cơ; phần cám thu được khi xay lúa sẽ bán để làm mỹ phẩm...

Đến nay, ông Nhựt đã liên kết với các nông dân khác trong vùng để sản xuất theo hướng hữu cơ, quy mô lớn, rồi xay ra thành gạo, đóng gói tiêu thụ khắp cả nước với hai nhãn hiệu: Gạo tím Ba Nhựt và nếp cẩm Ba Nhựt.

Ông Phạm Văn Nhựt cho biết: “Đến nay, có bốn cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội... ký hợp đồng thu mua gạo tím của tôi và nông dân trong vùng. Số lượng còn lại, tôi hợp đồng với các thương lái, kênh bán hàng online... để giải quyết đầu ra cho nông dân. Mới đây, gia đình đã ký hợp đồng cung ứng gạo tím để một đơn vị ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) làm bún và một đơn vị ở Vũng Tàu làm cốm nên đầu ra luôn ổn định”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức, lúa không phải là sản phẩm chủ lực của địa phương, nhưng tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Địa phương đang khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển sản phẩm OCOP có bao bì, truy xuất nguồn gốc... Một số hợp tác xã đã thành công bước đầu như Hợp tác xã lúa-tôm Thạnh Phú đã xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Thạnh Phú”, Hợp tác xã nông nghiệp Phước Ngãi sản xuất lúa ST24, ST25 ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao...

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, nông dân trồng lúa muốn hạn chế rủi ro, tránh tư thương ép giá và nâng cao thu nhập thì phải liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình cánh đồng lớn vì đây là phương thức tối ưu để hình thành nên chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Khi tham gia, nông dân được doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật… và mua lúa của nông dân ngay tại ruộng với giá cao hơn thị trường.

Như vậy, khi tham gia, nông dân chắc chắn sẽ tiêu thụ được lúa như đã ký kết ban đầu và lợi nhuận cao hơn vì tiết kiệm được chi phí, giá bán lúa cao hơn bên ngoài. Việc thực hiện mô hình này cũng là chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp mà tỉnh Tiền Giang đang triển khai thực hiện…

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng: “Nông dân cần làm theo đúng quy trình kỹ thuật mà các nhà khoa học đưa ra. Bằng chứng là những người nông dân theo khoa học, hợp tác trong cùng hợp tác xã hoặc trong cùng một nhóm để làm hợp đồng với doanh nghiệp thực hiện theo mô hình GAP sẽ giảm chi phí 30-50%. Nếu nông dân làm đúng theo quy trình GAP thì giá thành chỉ từ 1.800-2.300 đồng/kg lúa; còn những người nông dân làm theo ý mình thì giá thành lên đến 3.800 đồng/kg. Ngoài ra, chúng ta cần phải đưa các chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Doanh nghiệp cần phải tìm kiếm thêm khách hàng mới…

Để giúp người trồng lúa phát triển bền vững, chúng ta nên lấy vị trí, vai trò người nông dân làm gốc. Người nông dân không chỉ sống được mà phải sống tốt hơn.

Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần tự nâng cao trình độ, gắn kết lại với nhau. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp phải có sự hoạch định chiến lược và quy trình sản xuất hiệu quả. Có như vậy, vai trò của người nông dân mới được nâng lên, giúp họ có trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất vững chắc. Tất cả điều ấy sẽ là tiền đề đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển.