Hành trình từ hạt lúa đến hạt gạo

Bài 1: Hạt gạo bị "chia phần"

Hành trình từ hạt lúa đến hạt gạo tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long trải qua quá nhiều khâu trung gian. Hạt lúa từ tay người nông dân, "một nắng, hai sương" đến với người tiêu dùng trong nước và vươn ra thế giới là một lộ trình với nhiều mắt xích. Làm thế nào để hạn chế bớt những tầng nấc trung gian, góp phần tăng hiệu quả sản xuất của người nông dân, giảm giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận cho nhà xuất khẩu là bài toán nan giải.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Thu hoạch lúa tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Chúng tôi cùng với nông dân trồng lúa ghi chép nhật ký chi tiết để tính chi phí và lợi nhuận. Vụ lúa hè thu chính vụ năm 2022 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho năng suất thấp, giá bán không cao, nhưng chi phí nhiều khiến cho lợi nhuận người trồng lúa không có…

Nhiều tầng nấc trung gian

Trong vụ lúa hè thu 2022, gia đình ông Lê Văn Xuân, ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè (Tiền Giang) trồng 0,8ha lúa OM5451, năng suất 7 tấn/ha, bán với giá 5.500 đồng/kg. Thu hoạch lúa xong, ông Xuân lặng người nhìn về phía khu ruộng với vẻ mặt buồn rười rượi.

Mở cuốn sổ, từng trang nhật ký sản xuất ghi chi tiết: "Tiền mua lúa giống 2 triệu đồng; cày xới 880 nghìn đồng; bơm tát 120 nghìn đồng; phân và thuốc bảo vệ thực vật 9,6 triệu đồng; gieo sạ 120 nghìn đồng; dặm lúa 600 nghìn đồng; nhổ cỏ 104 nghìn đồng; thu hoạch lúa 1,4 triệu đồng". Gia đình ông Xuân bán lúa được hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí gần 15 triệu đồng, lợi nhuận chỉ còn một nửa.

Ông Xuân tâm sự: "Vụ này, năng suất lúa của tôi cao hơn những nông dân khác và chi phí được gia đình tiết kiệm tối đa nên mới có lợi nhuận như vậy. 15 triệu đồng chia cho 4 nhân khẩu trong ba tháng sản xuất thì không bằng một người đi làm thuê".

Kết thúc vụ lúa, ông Xuân cầm tiền mua lại những thứ cần thiết để chuẩn bị cho vụ mới, giải quyết tiền lãi ngân hàng đã vay. Ông Xuân nói: "Trước đây, tôi làm lúa mà không tính chi tiết, mỗi mùa vụ đều hô hào trúng lớn, lãi cao. Nhưng làm xong, tiền không thấy đâu. Giờ đây, ghi chép rõ ràng và tính chi tiết thì thấy chẳng có lãi".

Suốt mấy chục năm trồng lúa, cuộc sống của nhiều nông dân ở tỉnh Bến Tre vẫn còn bấp bênh do chi phí đầu tư cao, lợi nhuận không bảo đảm cho cuộc sống. Gia đình ông Trương Văn Thúc, ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre canh tác 0,5ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm. Ông Thúc đã chủ động giảm chi phí trong sản xuất, sản phẩm làm ra được bao tiêu nhưng lợi nhuận cũng không cao.

Vụ lúa vừa rồi, gia đình ông Thúc sản xuất giống lúa ST25 (lúa thơm chất lượng cao) với tổng chi phí sản xuất cho 0,5ha khoảng 9,6 triệu đồng. Sau ba tháng, gia đình ông thu hoạch 2,4 tấn, bán với giá 6.500 đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí, gia đình ông còn lãi khoảng 6 triệu đồng.

Ông Thúc tâm sự: "Nếu gia đình 4 nhân khẩu, 1 năm làm 2 vụ lúa, lãi chỉ khoảng 12 triệu đồng thì tính ra thu nhập chỉ 3 triệu đồng/nhân khẩu/năm nên không đủ sống. Vì vậy, người lớn tuổi bám ruộng sản xuất lúa, thanh niên phải đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp hay làm thuê mới mong đủ trang trải cuộc sống"…

Một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho biết, hạt gạo đang bị chia quá nhiều phần cho nên lợi nhuận của nông dân ngày một teo tóp như: "Nhà băng" (nông dân phải vay vốn, đóng lãi); nhà vật tư (nông dân mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu đầu vụ, cuối vụ trả lãi cao); nhà mình (nông dân chịu gánh nặng chi tiêu trong cuộc sống); nhà xuất khẩu gạo.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về cây lúa cho rằng: "Sản xuất lương thực đầy đủ là bệ đỡ cho an sinh xã hội, ổn định nền kinh tế quốc gia. Nông dân là người trực tiếp làm ra hạt lúa nhưng hưởng lợi thấp, không đủ trang trải cho gia đình. Ở Việt Nam, chúng ta rất tự hào về tầng lớp nông dân trồng lúa. Họ đã không ngừng tăng sản lượng lúa, vượt nhu cầu tiêu thụ nội địa, đưa Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Nhưng, chúng ta chưa đáp lại công lao to lớn đó của họ".

Ở Việt Nam, chúng ta rất tự hào về tầng lớp nông dân trồng lúa. Họ đã không ngừng tăng sản lượng lúa, vượt nhu cầu tiêu thụ nội địa, đưa Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Nhưng, chúng ta chưa đáp lại công lao to lớn đó của họ.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Hạt gạo làm ra đã chia nhiều phần. Lợi nhuận của người trực tiếp tạo ra sản phẩm chẳng được bao nhiêu, thu nhập bấp bênh. Danh xưng là vựa lúa quốc gia nhưng nông dân đang nghèo ngay trên vựa lúa. Ðó là một nghịch lý.

Hạt lúa tốn nhiều chi phí

Ðồng bằng sông Cửu Long ngày càng khẳng định vị thế là vùng chủ yếu bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của cả nước. Nơi đây sản xuất 52% sản lượng lúa, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Vào những năm 1930, diện tích lúa mùa toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 570.000ha, đến năm 1980, diện tích này giảm xuống còn 300.000ha và từ năm 1990 trở lại đây, hầu như không còn lúa mùa nữa mà thay vào đó là các giống lúa mới, ngắn ngày, năng suất cao được gieo trồng 2-3 vụ/năm.

Việc gia tăng diện tích đất lúa của vùng còn xuất phát từ công cuộc khai hoang mở đất. Từ những năm 1980, các nhà khoa học Việt Nam đã vào cuộc khai hoang khu vực Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Cùng với chính sách di dân của các địa phương, vùng đất hoang hóa, người thưa ngày nào đã đông đúc và phong trào gia tăng sản xuất cũng được thúc đẩy. Trong đó, sản lượng lúa của vùng Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên chiếm khoảng 40% sản lượng lúa toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, giữ vai trò bảo đảm an ninh lương thực rất lớn cho vùng. Năng suất và sản lượng năm sau cao hơn năm trước đã được khẳng định và giữ vững vị thế đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, đồng thời sản lượng lúa đồng bằng sông Cửu Long tăng hằng năm cũng góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo đảm sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, nông dân trồng lúa không giàu do nhiều nguyên nhân. Hạt lúa nông dân thu hoạch được tốn nhiều chi phí và qua nhiều công đoạn. Nếu nông dân biết áp dụng kiến thức khoa học phù hợp thì hạt gạo sẽ ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, việc trồng lúa cá thể, manh mún trên đồng ruộng, mỗi người một ý đã đưa đến chất lượng lúa không đồng đều và bán không được giá cao.

Nếu nông dân biết áp dụng kiến thức khoa học phù hợp thì hạt gạo sẽ ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, việc trồng lúa cá thể, manh mún trên đồng ruộng, mỗi người một ý đã đưa đến chất lượng lúa không đồng đều và bán không được giá cao.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đã khiến cho sâu bệnh hại lúa ngày một nhiều. Giá vật tư đầu vào liên tục tăng, trong khi giá lúa dao động ở mức thấp, lợi nhuận mang lại cho nông dân không nhiều. Ngoài ra, nông dân còn nghèo là do không có đất, thiếu đất sản xuất; người có đất nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức, không biết cách làm ăn; sản xuất kém hiệu quả, gặp rủi ro cao; cũng có người thiếu sự phấn đấu để vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước về lúa gạo chưa hợp lý, cách làm cứng nhắc, thiếu lồng ghép các chính sách phát triển kinh tế với việc giải quyết vấn đề xã hội, khiến việc hỗ trợ của Nhà nước chưa đến được người nghèo một cách thiết thực, hiệu quả.

Kỳ tích của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đã đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực đã chiếm vị trí thứ hai xuất khẩu gạo trên thế giới. Có thể nói, đằng sau ánh hào quang của những "hạt ngọc" Việt là nỗi lo cho người "mài ngọc". Mặc dù đời sống có phần khấm khá hơn, nhưng thu nhập của họ được xem là thấp so với các lĩnh vực khác. Cũng chính từ đó, một bộ phận không nhỏ đã tìm hướng đi mới, thoát khỏi cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" với đồng ruộng…