Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, đến ngày 15/7, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh đã giao tổng số vốn ngân sách địa phương cho UBND cấp huyện và phân bổ trực tiếp cho các dự án cấp tỉnh là: 7.073 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82,65% số kế hoạch Chính phủ giao (8.558 tỷ đồng), đạt 80,38% kế hoạch vốn Hội đồng nhân dân tỉnh giao (8.800 tỷ đồng).
Nhiều dự án chưa thể giải ngân vốn
Tuy nhiên, dù việc giao tổng số vốn ngân sách địa phương cho UBND cấp huyện và phân bổ trực tiếp cho các dự án cấp tỉnh tại Bắc Ninh diễn ra sớm nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đang triển khai rất chậm.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết: Tính đến ngày 15/7, toàn tỉnh Bắc Ninh giải ngân được 1.716 tỷ đồng, đạt 18,8% so với số vốn Chính phủ giao; đạt 18,5% so với số Hội đồng nhân dân tỉnh giao; đạt 20,8% so với số UBND tỉnh giao phân bổ chi tiết và giao UBND cấp huyện.
Do đó, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh Bắc Ninh đang ở mức rất thấp so với mức trung bình cả nước, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố.
Trên công trường thi công dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô. |
Đối với cấp tỉnh giải ngân được 427/4.051 tỷ đồng, đạt 10,5%. Trong đó, một số chủ đầu tư có số vốn được giao lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp.
Cụ thể: Ban Quản lý dự án xây dựng Giao thông giải ngân 550/2.352 tỷ đồng, đạt 23,0%. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp giải ngân 129/513 tỷ đồng, đạt 25,0%. Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị giải ngân 68/678 tỷ đồng, đạt 10,1%. Công an tỉnh giải ngân 35/241 tỷ đồng, đạt 14,7%. Ban Quản lý dự án thị xã Thuận Thành giải ngân 4,5/125 tỷ đồng, đạt 3,7%. Ban Quản lý dự án thị xã Quế Võ giải ngân 3,2/79 tỷ đồng, đạt 4,1%,…
Bắc Ninh dồn sức giải ngân vốn đầu tư công
Mặt khác, nhiều dự án giải ngân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang thấp dưới 30%; trong đó, có những dự án được giao vốn đầu năm nhưng đến nay chưa giải ngân.
Có thể kể đến dự án đầu tư xây dựng đường nội thị huyện Quế Võ (đoạn Nhân Hòa đi xã Đại Xuân); Dự án Tu bổ, tôn tạo Thành cổ Luy Lâu và Hệ thống Tứ Pháp; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Trường trung học phổ thông Lê Văn Thịnh (30 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng đường ĐT 287 đoạn qua địa phận các huyện Yên Phong, Tiên Du và thị xã Từ Sơn,…
Dự án cầu Ngũ Huyện Khê là một công trình đang vướng mắc giải phóng mặt bằng. |
Đối với cấp huyện, tiến độ giải ngân cũng rất chậm, mới đạt 23,6%. Trong đó, thấp nhất là thị xã Thuận Thành, mới giải ngân được 122/1.328 tỷ đồng, đạt 9,1%; huyện Tiên Du giải ngân được 46/268 tỷ đồng, đạt 17,2%.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, từ tiến độ giải ngân thấp ở cấp huyện có thể thấy việc triển khai các dự án đấu giá đất ở các địa phương diễn ra rất chậm dẫn đến việc tạo nguồn thu sử dụng đất để phân bổ, giải ngân là rất thấp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng: Hiện, cả hai nguồn vốn Chính phủ giao gồm 1.000 tỷ từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và 3.600 tỷ đồng từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất, tỉnh Bắc Ninh đều chưa triển khai được. Nếu không tính 2 nguồn này thì tỷ lệ giải ngân được 26,3% kế hoạch đầu tư công năm 2024. Nguyên nhân đạt thấp do vướng mắc trong triển khai quy hoạch phân khu, giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất đai, thiếu vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn chậm giải ngân là do thiếu sự phối hợp, kết nối giữa chính quyền cơ sở và ban quản lý các dự án trong quá trình triển khai.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng và thi công công trình giao thông trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và huyện Yên Phong. |
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt song tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, dưới mức bình quân chung cả nước.
Nhấn mạnh ‘‘đây là kết quả không thể chấp nhận được’’, đồng chí Vương Quốc Tuấn nghiêm túc phê bình các đơn vị có tiến độ giải ngân thấp như: Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông; Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị; Ban Quản lý dự án thị xã Thuận Thành; Ban Quản lý dự án thị xã Quế Võ; Công an tỉnh; thị xã Thuận Thành và huyện Tiên Du…
Yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Vương Quốc Tuấn đề nghị các chủ đầu tư, các đơn vị đến ngày 31/8 phải nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thêm ít nhất 15%. Đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở, ngành phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND tỉnh về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 90% trở lên, trước mắt, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, thi công, thanh toán, giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã phân bổ năm 2024, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, các công trình, dự án trọng điểm: Dự án đường vành đai 4, cầu Kênh Vàng, các dự án thuộc thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ hỗ trợ vốn...
Tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án cấp tỉnh với UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện thi công ngay khi đã có mặt bằng…