Bắc Ninh tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

Dù đã có nhiều chuyển biến rõ rệt song công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nguyên nhân là do tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đang chiếm tới hơn 85%; việc hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn chậm…
0:00 / 0:00
0:00
Các phiên chợ an toàn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức là một kênh bán hàng uy tín được người dân lựa chọn.
Các phiên chợ an toàn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức là một kênh bán hàng uy tín được người dân lựa chọn.

Tại phiên giải trình về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức, các nội dung liên quan tới kiểm soát nguồn gốc của thực phẩm, nhất là tại các chợ dân sinh; quản lý thức ăn đường phố; chế tài xử lý đối với các cơ sở vi phạm... đã được đại biểu chất vấn, đề nghị làm rõ.

Lo lắng trước tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày một phức tạp nhưng công tác hậu kiểm còn hạn chế, đại biểu Nguyễn Huy Chiến, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị cần phải có những giải pháp mang tính lâu dài, đột phá để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn. Trong khi đó, đại biểu Dương Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ rõ việc thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện nhiều nhưng các cơ sở kinh doanh vẫn tái phạm, phải chăng do mức xử phạt chưa nghiêm hay có nguyên nhân khác?

Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cho biết: Bắc Ninh là một trong ba địa phương của cả nước thực hiện thí điểm ban quản lý an toàn thực phẩm. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 10.600 cơ sở, trong đó hơn 10.300 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ký bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm (đạt 97,2%, tăng 38% so với cùng kỳ giai đoạn trước).

Ban Quản lý đã tích cực chủ động triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống…Trong sáu năm (2018-2023), có hơn 15.500 cơ sở được thanh, kiểm tra, trong đó có hơn 12.200 cơ sở (chiếm 78%) đạt an toàn thực phẩm, gần 3.500 cơ sở không đạt. Các lực lượng chức năng ban hành 395 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 397 người mắc, không có trường hợp tử vong; xảy ra một sự cố về an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học.

Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh cũng thừa nhận, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm hiện nay gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành. Theo đó, cần kiểm soát ngay từ ban đầu quá trình nuôi, trồng cây, con giống. Thực tế quá trình kiểm tra vẫn xuất hiện chất tồn dư thực phẩm, nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận người sản xuất vẫn còn hạn chế.

Đơn cử việc phun sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sau bốn tuần mới được thu hoạch, nhưng hai đến ba tuần người trồng đã tiến hành thu hoạch vì vậy tồn dư chất bảo vệ thực vật vẫn còn trên cây trồng, vật nuôi, khi đưa vào sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để giải quyết tình trạng này, Ban phối hợp với ngành chức năng và chính quyền cơ sở tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến người sản xuất để nâng cao nhận thức trong việc nuôi, trồng.

Mặt khác, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại tỉnh đang gặp khó khăn do tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm phần lớn (hơn 85%). Việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ còn gặp nhiều khó khăn do nguồn gốc thực phẩm đa dạng, phong phú từ các nơi trong và ngoài tỉnh, nhất là khi tỉnh chưa có chợ đầu mối. Bên cạnh đó, việc xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn chậm.

Mặt khác, hiện Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh là mô hình thí điểm nên chức năng, nhiệm vụ không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, điều này cũng gây khó khăn trong thực thi nhiệm vụ; đặc biệt là các quy định về thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng đề nghị các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhất là ở cơ sở, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng thời khuyến khích, động viên nhân dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý triệt để, kiên quyết các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, cần thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ, tiếp tục phấn đấu Bắc Ninh không còn thực phẩm bẩn.