Bắc Ninh số hóa bài học giáo dục lịch sử địa phương

Những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo Bắc Ninh trở thành điểm sáng với chất lượng giáo dục luôn đứng vị trí tốp đầu toàn quốc. Kết quả đó có sự nỗ lực ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp, cải thiện quy trình dạy và học. Đáng chú ý, các bài giảng về giáo dục lịch sử địa phương đã từng bước được số hóa, có sự tương tác cao.
0:00 / 0:00
0:00
Cô và trò lớp 2A5 Trường tiểu học Tiền An (thành phố Bắc Ninh) trong “Giờ học lịch sử online”.
Cô và trò lớp 2A5 Trường tiểu học Tiền An (thành phố Bắc Ninh) trong “Giờ học lịch sử online”.

Thực hiện Chương trình phối hợp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học sinh thông qua các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai điểm mô hình “Giờ học lịch sử online” từ tiết dạy Giáo dục địa phương (theo chương trình sách giáo khoa mới). Qua hai năm triển khai, chương trình với những kiến thức bổ ích, trải nghiệm lý thú được đông đảo giáo viên và học sinh đón nhận.

Tăng cường trải nghiệm thực tiễn

Tiết học lịch sử online với chủ đề “Chùa Dâu” trong chương trình giáo dục địa phương lớp 2, kết nối từ Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu (phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành) được cô và trò lớp 2A5, Trường tiểu học Tiền An, thành phố Bắc Ninh đặc biệt mong chờ.

Tiết học hôm nay đặc biệt hơn, bởi 37 học sinh lớp 2A5 Trường tiểu học Tiền An vừa được cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn trên lớp, vừa được tham gia trực tuyến, xem và nghe giới thiệu của cán bộ Trung tâm bảo tồn Di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh dẫn trực tiếp tại chùa Dâu. Buổi học cũng được kết nối tới hơn 720 điểm cầu thuộc 100% các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh. Như vậy, thay vì đến tham quan trực tiếp, qua tiết học online, gần 25.000 học sinh khối lớp 2 của tỉnh đã có thể trải nghiệm thực tế ngay tại lớp học.

Sau phần khởi động với làn điệu dân ca quan họ Vào chùa mượt mà, các em học sinh lớp 2A5 hào hứng tham gia trò chơi kể tên các di tích, đền, chùa ở Bắc Ninh do giáo viên hướng dẫn. Sôi nổi giơ tay phát biểu, các di tích tại quê hương lần lượt được các em ghi nhớ và liệt kê như đền Đô, Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Phật Tích, đền Giếng, chùa Bút Tháp…Tiếp đó, các em học sinh được nghe thuyết minh giới thiệu và tương tác trực tuyến, trực tiếp xem hình ảnh, quan sát các hiện vật, không gian, các hạng mục công trình tại chùa Dâu.

Em Ngô Ngọc Diệp, học sinh lớp 2A5 chia sẻ: “Ngồi trong lớp học mà con có cảm giác như đi du lịch khi được ngắm tháp Hòa Phong, bảo vật quốc gia tượng Pháp Vân qua lời giới thiệu của chú hướng dẫn viên. Vừa học, vừa xem trực tiếp hình ảnh thế này rất vui và con mong muốn được tìm hiểu thêm nhiều di tích nữa”.

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, hướng dẫn và trải nghiệm cùng học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Thu Giang, chủ nhiệm lớp 2A5, Trường tiểu học Tiền An cho biết: Những tiết học lịch sử online rất gần gũi, truyền tải lịch sử dễ hiểu, dễ nhớ và có tính tương tác cao giúp học sinh hào hứng, phấn khởi hơn với môn học này.

Với giáo viên, mặc dù đã có giáo trình riêng được sở biên soạn giúp chúng tôi nắm được các kiến thức cơ bản về chùa Dâu, nhưng không phải ai cũng có điều kiện được đến tận nơi, cho nên những hình ảnh trực tiếp cùng với thuyết trình giúp người nghe nhớ lâu, khắc sâu kiến thức. Hiện tại khối 2 có sáu chủ đề về giáo dục lịch sử địa phương, nhưng mới chỉ có bài Chùa Dâu được học trực tuyến, chúng tôi rất mong phương pháp học lịch sử mới với độ tương tác cao này sẽ được triển khai nhiều hơn trong các năm học tới.

Bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ

Từ tiết học thí điểm đầu tiên về Văn Miếu Bắc Ninh, kết nối trực tuyến với một lớp học tại Trường trung học phổ thông Lương Tài, sau hai năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã có 34 tiết học lịch sử online được tổ chức ở cả ba cấp học với độ bao phủ và quy mô tăng dần. Thay vì kết nối trực tuyến một chiều chỉ nghe và nhìn, đến nay học sinh đã có thể tương tác với hướng dẫn viên tại điểm cầu để trao đổi thêm về những điều mình quan tâm.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn đánh giá: Với sự hào hứng tham gia của học sinh, có thể thấy mô hình giờ học lịch sử online đã phát huy hiệu quả, tính tích cực, chủ động của các em trong lĩnh hội tri thức. Rõ ràng các em vẫn có niềm đam mê với môn lịch sử và đòi hỏi thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với thế hệ trẻ đang lớn lên trong môi trường số hóa; từ đó góp phần bồi đắp, giáo dục học sinh niềm tự hào, tình yêu đối với truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh sẽ có đánh giá, tổng kết mô hình giờ học lịch sử online nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình. Cùng với đó, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần trang bị kiến thức và kỹ năng để học sinh Bắc Ninh tự tin bước vào thời đại số, đồng chí Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.

Đánh giá cao chương trình phối hợp giờ học lịch sử online, song ông Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, tại một số trường cơ sở vật chất, hạ tầng và đường truyền, thiết bị còn thiếu đồng bộ, quá trình phối hợp chưa khớp. Đây là những hạn chế cần khắc phục ngay để công tác phối hợp đạt hiệu quả hơn những năm tiếp theo.

Nằm trong chương trình giáo dục địa phương, “Giờ học lịch sử online” là một sáng kiến của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và đổi mới phương thức dạy và học môn lịch sử. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với Bắc Ninh - vùng đất địa linh nhân kiệt với nền văn hóa lâu đời, giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng, văn hiến và cách mạng.

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như cụ thể hóa Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020”; Nghị quyết số 71-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.