Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, hiện, toàn tỉnh có 132 sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 99 sản phẩm hạng 3 sao.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu hầu hết là đặc sản nổi tiếng từ lâu đời tại địa phương, tiêu biểu như tôm khô, chả lụa, giò lụa, chả gân, muối tinh, muối hạt, muối tiêu, muối ớt, muối tôm, tôm thẻ nguyên con đông lạnh, tôm thẻ nguyên con hấp/luộc đông lạnh, tổ yến sơ chế sấy khô…
Nhiều sản phẩm OCOP của Bạc Liêu tham gia các Hội chợ, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. (Ảnh: TRỌNG DUY) |
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, từ khi tham gia OCOP, các doanh nghiệp, hộ dân được cơ quan chức năng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm thông qua các hình thức như hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu…
Nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và các ngành chức năng của địa phương, nhất là ngành nông nghiệp, công nghiệp mà nhiều sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hộ dân trong tỉnh được nhiều người tiêu dùng biết đến, lựa chọn mua làm quà biếu tặng vào các dịp lễ tết. Sức mua tiêu dùng tăng nên các cơ sở bán hàng cũng tăng cường nguồn nguyên liệu để chế biến cung cấp cho thị trường được kịp thời.
Đồng chí Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu (thứ hai, từ phải qua) thăm các sản phẩm OCOP của tỉnh. |
Anh Nguyễn Ngọc Sen, cơ sở kinh doanh sản phẩm chả lụa nhãn hiệu Sơn Hà rất nổi tiếng tại tỉnh Bạc Liêu hơn 45 năm qua cho biết, sản phẩm chả lụa, chả gân, chả chiên nhãn hiệu Sơn Hà (chuyên sản xuất chả lụa, nguyên liệu thịt heo, thịt bò) và một số sản phẩm khác được chế biến nguyên liệu là hải sản (tôm, cá) được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Đồng thời, sản phẩm được các bộ, ngành chức năng của Trung ương cấp giấy chứng nhận 3 sản phẩm là chả lụa, chả gân, chả chiên Sơn Hà (Bạc Liêu) đạt HACCP (tức đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và một số thị trường “khó tính” khác)...
Anh Sen cho rằng, từ khi sản phẩm chả lụa, chả gân, chả chiên Sơn Hà được công nhận 3 sao, rồi 4 sao đến nay, các sản phẩm truyền thống này của gia đình anh thường xuyên tham gia các hội chợ, các gian hàng sản phẩm OCOP ở các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm góp phần tăng cường quảng bá sản phẩm truyền thống gần 50 năm nay của gia đình và của địa phương Bạc Liêu trong thời kỳ mở cửa, hội nhập.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu luôn rất quan tâm, khích lệ các doanh nghiệp, các hộ gia đình sản xuất hàng hóa đạt chuẩn OCOP 4 sao. (Ảnh: TRỌNG DUY) |
Đặc biệt, chả lụa Sơn Hà là đơn vị đầu tiên ở Bạc Liêu được công nhận OCOP 4 sao và đạt tiêu chuẩn HACCP đã đem lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho các doanh nghiệp, các hộ gia đình; đồng thời góp phần thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của tỉnh Bạc Liêu phát triển mạnh trong và ngoài nước...
Chị Võ Thị Hồng Thoại, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu (đã nghỉ hưu), hiện là chủ cơ sở chuyên sản xuất, chế biến nước mắm có thương hiệu “nước mắm Thiên Phú” thuộc Công ty Vũ Võ Bạc Liêu, cơ sở xây dựng tại cửa biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) chia sẻ: Từ khi sản phẩm nước mắm Thiên Phú được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm nước mắm Thiên Phú của công ty bán ra thị trường mạnh hơn trước.
Đặc biệt, được chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ quảng bá, nên các sản phẩm nông nghiệp của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trong toàn tỉnh nói chung, sản phẩm nước mắm Thiên Phú nói riêng, được tiêu thụ rộng rãi, kể cả các siêu thị có uy tín, “các thị trường khó tính”. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, các hộ gia đình có các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao tiêu thụ ngày càng nhiều, cơ hội làm ăn ngày một phát triển rõ rệt...
Sản phẩm muối Bạc Liêu từ lâu rất nổi tiếng trong và ngoài nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp tỉnh Bạc Liêu chuẩn bị tổ chức Festival Nghề muối Việt Nam lần thứ nhất tại Bạc Liêu., nhằm vinh danh và bảo tồn nghề muối Việt Nam. |
Đồng chí Đặng Minh Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Trong mấy năm qua, nhất là từ năm 2020 đến nay, chính quyền và ngành Nông nghiệp tỉnh rất quan tâm, chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP. Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại như tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh; hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia cũng như quốc tế.
Tỉnh Bạc Liêu đã tích cực xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung-cầu; đồng thời đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương.
Nước mắm Thiên Phú (Bạc Liêu) là sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 4 sao. |
Tuy nhiên, chương trình OCOP của tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Để đưa thương hiệu OCOP Bạc Liêu vươn xa hơn nữa, chính quyền và các ngành chức năng của địa phương cần thiếp tục nỗ lực cao hơn nữa. Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực đầu tư nhằm tạo ra các sản phẩm OCOP đạt chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao để phát triển bền vững.
“Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và những mặt còn hạn chế, yếu kém, các địa phương, sở, ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh, tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế... Có như vậy, việc thực hiện chương trình OCOP mới thật sự đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả và có giá trị bền vững...”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nêu rõ.