Mối “lương duyên” giữa Bắc Kạn và Nhật Bản đã bắt đầu cách đây 26 năm. Từ năm 1997 (năm tái lập tỉnh Bắc Kạn), Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) của Chính phủ Nhật Bản là nhà tài trợ có mối quan hệ sớm nhất với tỉnh Bắc Kạn.
Chính phủ Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ ODA cho tỉnh Bắc Kạn nhiều nhất. Trong giai đoạn 1997-2023, Bắc Kạn đã tiếp nhận và thực hiện 27 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản với tổng số vốn ODA khoảng 526 tỷ đồng.
Nguồn vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản đã được tỉnh ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực giao thông nông thôn, điện, cấp nước, thủy lợi, y tế… Các dự án này được triển khai thực hiện tốt, góp phần cải thiện cơ bản và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân, diện mạo của tỉnh từng bước được nâng lên.
Nguồn vốn tài trợ đã góp phần phát triển quan hệ đối tác tốt đẹp giữa tỉnh Bắc Kạn với phía nhà tài trợ Nhật Bản. Tuy nhiên, ngoài viện trợ thì số đầu tư vốn FDI từ Nhật Bản vào Bắc Kạn lại gần như không có.
Chế biến nông sản xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki. (Ảnh: TUẤN SƠN) |
Phải đến năm 2017, dự án đầu tiên của nhà đầu tư Nhật Bản mới xuất hiện tại Bắc Kạn. Đó là dự án Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki có tổng vốn đầu tư hơn 2 triệu USD tại khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới).
Sự hợp tác giữa nhà đầu tư Nhật Bản và đối tác tại Bắc Kạn đã xây dựng nên một nhà máy sản xuất, chế biến nông sản hiệu quả. Sản phẩm chủ yếu, gồm: mơ muối, củ kiệu, củ cải… được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế thì điểm nổi bật của dự án này là đã khẳng định được nông, lâm sản Bắc Kạn phù hợp với thị hiếu người dân Nhật Bản và mở ra nhiều gợi mở về thu hút vốn FDI từ Nhật Bản.
Từ năm 2018 đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki đã xuất khẩu sang Nhật Bản được 1.183 tấn quả mơ, 941 tấn gừng, 1.362 tấn kiệu, 1.245 tấn măng, 172 tấn rau cải, 112 tấn củ cải và 12 tấn rau lang...
Ngoài ra, Công ty Nông sản Borderless Asia (liên kết sản xuất với đối tác Nhật Bản) cũng xuất khẩu được 100 tấn mơ trong năm 2023.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, điểm nổi bật của dự án này là đã khẳng định được nông, lâm sản Bắc Kạn phù hợp thị hiếu người dân Nhật Bản và mở ra nhiều gợi mở về thu hút vốn FDI từ Nhật Bản.
Các nhà đầu tư từ Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu đầu tư các dự án quy mô lớn hơn tại Bắc Kạn. Ngày 27/8/2022, Bắc Kạn đã thực hiện ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Erex, Nhật Bản (công ty đi đầu trong lĩnh vực sử dụng nhiên liệu sinh khối đốt trong các nhà máy điện sinh khối tại Nhật Bản) về hợp tác phát triển nguyên liệu sinh khối và đầu tư các dự án sử dụng nguyên liệu từ ngành nông lâm nghiệp.
Ngày 5/9/2023, tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Erex, Nhật Bản đã đề xuất tỉnh cho chủ trương ủng hộ để đơn vị đầu tư nhà máy điện sinh khối công suất tối thiểu 50MW; hỗ trợ cung cấp thông tin về khả năng cung cấp nguồn sinh khối cho nhà máy.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn tìm hiểu mô hình sản xuất điện sinh khối tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản). (Ảnh: PHƯƠNG THẢO) |
Với hơn 100.000ha rừng trồng, vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy điện sinh khối ở Bắc Kạn được đánh giá rất dồi dào. Việc nhà đầu tư từ Nhật Bản quyết tâm thực hiện dự án cũng khẳng định tiềm năng, lợi thế của Bắc Kạn sẽ còn rất hấp dẫn.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, ngoài gừng, củ kiệu, quả mơ, Bắc Kạn còn có một số sản phẩm như miến dong, cam, quýt có thể rất phù hợp với thị trường Nhật Bản. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều tiềm năng... Bắc Kạn còn có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, là vùng nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng và vật liệu xây dựng từ gỗ. Hiện tại, một số sản phẩm như thìa, dĩa, đũa gỗ đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ngoài lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Bắc Kạn mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện sinh khối, điện gió... Bắc Kạn còn có trữ lượng khoáng sản kim loại màu lớn trong cả nước. Tiềm năng này có thể thu hút đầu tư vào chế biến khoáng sản, sản xuất các loại pin, ắc quy...
Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Kạn
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Trần Công Hòa, ngoài lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Bắc Kạn mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện sinh khối, điện gió... Bắc Kạn còn có trữ lượng khoáng sản kim loại màu lớn trong cả nước. Tiềm năng này có thể thu hút đầu tư vào chế biến khoáng sản, sản xuất các loại pin, ắc quy...
Để thu hút đầu tư tại Nhật Bản, tháng 7/2023, Bắc Kạn đã tổ chức đoàn công tác đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại tỉnh Fukuoka, tỉnh Oita và thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Tại các cuộc làm việc, Bắc Kạn đã quảng bá, giới thiệu về thành tựu, tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tỉnh đã kịp thời thông tin các hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam-Nhật Bản do Bộ Công thương tổ chức năm 2022 và năm 2023 đến các doanh nghiệp của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn giới thiệu về tỉnh tại Hội nghị giao thương hợp tác, đầu tư, thương mại Việt Nam-Nhật Bản tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: PHƯƠNG THẢO) |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Trần Công Hòa cho biết thêm, Bắc Kạn có giá thành thuê đất rẻ hơn các tỉnh trong khu vực. Đồng thời với vị trí là khu vực trung tâm, doanh nghiệp đầu tư tại Chợ Mới có thể thu hút lao động của các tỉnh lân cận... Với hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư, chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung.
Bắc Kạn đã giới thiệu tới các nhà đầu tư Nhật Bản 19 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; 5 dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp; 9 dự án lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chế biến nông, lâm sản; 1 dự án lĩnh vực du lịch; 5 dự án lĩnh vực đô thị. Tỉnh cũng nghiên cứu mô hình du lịch của tỉnh Tochigi (Nhật Bản) có địa hình tương đồng với Bắc Kạn.
Nhật Bản luôn là lựa chọn ưu tiên của lao động xuất khẩu tại Bắc Kạn. Nếu như năm 2021, Bắc Kạn chỉ có 100 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản thì từ đầu năm 2023 tới nay, con số này đã tăng lên hơn 600 người.
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn)
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, tỉnh sẽ chủ động đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các cơ hội đầu tư của tỉnh đến doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản, nhất là những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương; kết nối cung cầu hàng hóa các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đến thị trường Nhật Bản.
Tỉnh phối hợp các đối tác của Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ kỹ thuật cho cán bộ, doanh nghiệp, hợp tác xã và người trực tiếp tham gia sản xuất trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn hoàn thiện các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng điều kiện cung ứng sản phẩm cho các đối tác Nhật Bản. Tăng cường hợp tác liên kết hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế giữa Việt Nam với Nhật Bản nói chung và Bắc Kạn với Nhật Bản nói riêng.