Tọa đàm về triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản

NDO - Chiều 18/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Quan hệ, triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ứng với mỗi thời kỳ phát triển của Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: GIA KHÁNH)
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: GIA KHÁNH)

Tham dự buổi tọa đàm có GS Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự của Đại học Waseda (Nhật Bản); GS Ikebe Ryo thuộc Đại học Senshu (Nhật Bản); và hơn 80 cán bộ giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia nói chung và giữa Học viện với các cơ quan giáo dục, đào tạo và tư vấn chính sách của Nhật Bản nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ kinh nghiệm chính sách và phát triển của Nhật Bản, góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tọa đàm về triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ảnh 1

PGS, TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thuyết trình tại Tọa đàm.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Sugano Yuichi cho biết từ năm 2020, JICA bắt đầu triển khai chương trình “JICA CHAIR” dành cho các trường đại học và cơ sở nghiên cứu hàng đầu tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ quá trình phát triển và hiện đại hóa của Nhật Bản.

“JICA đã phối hợp cùng nhiều đối tác của Việt Nam, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, ông Yuichi nói, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục những mối quan hệ này để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Chia sẻ về vai trò của Nhật Bản trong phát triển kinh tế tại Việt Nam, Giáo sư Trần Văn Thọ nêu rõ, trong 30 năm qua, qua các kênh ODA, FDI và chế độ thực tập sinh kỹ năng, công nghệ và tri thức quản lý đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tọa đàm về triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ảnh 2

Giáo sư Trần Văn Thọ phát biểu về vai trò của Nhật Bản trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tích cực trong việc hỗ trợ và tư vấn về chính sách cải cách và phát triển, thể hiện qua Dự án Ishikawa bắt đầu năm 1995. Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng kinh tế Việt Nam.

"Nhật Bản chiếm vị trí áp đảo trong luồng vốn ODA song phương từ nước ngoài vào Việt Nam", Giáo sư cho biết, đồng thời thông tin thêm, lũy kế vốn ODA Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn từ 1993 đến tháng 3/2022 lên tới 2.900 tỷ yen, cao hơn nhiều so với con số cung cấp cho Thái Lan (2.164 tỷ yen) hay Philippines (2.329 tỷ yen) từ thập niên 1960 đến 2012.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Việt Nam chưa phát huy tốt được nguồn lực từ Nhật Bản, và có thể phát triển hơn nữa thông qua tăng cường nguồn lực trong nước, đồng thời phối hợp hiệu quả hai nguồn lực. "Nếu Việt Nam quan tâm củng cố nội lực thì nguồn lực Nhật Bản sẽ phát huy hơn và thành quả phát triển sẽ lớn hơn nữa", Giáo sư nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, Giáo sư Ikebe Ryo đã trình bày về quá trình tăng trưởng kinh tế và công cuộc công nghiệp hóa của Việt Nam với ảnh hưởng của làn sóng FDI và hiệu quả kinh tế được tạo ra bởi nguồn vốn này.

Tọa đàm về triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản ảnh 3

Giáo sư Ikebe Ryo trình bày về đóng góp của đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế Việt Nam.

Giáo sư cho rằng, đối với Việt Nam, việc nâng cao năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng để tránh bẫy thu nhập trung bình, đồng thời, để đẩy mạnh công nghiệp hóa, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ phát triển và nâng cao giá trị gia tăng của vốn FDI.

Tọa đàm là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi bài giảng “JICA CHAIR” được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác hai bên. Chuỗi sự kiện góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa các cơ quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu tư vấn chính sách và hợp tác phát triển nói riêng cũng như giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung.