Bắc Kạn thiếu nhân lực, vật lực chống dịch trên vật nuôi

NDO - Dịch tả lợn châu Phi đã tái bùng phát ở Bắc Kạn. Địa phương này đang tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch. Tuy nhiên, Bắc Kạn lại đang thiếu cả lực lượng thú y viên cơ sở và cả thuốc tiêu độc, khử trùng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân huyện Bạch Thông phun thuốc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi phòng ngừa lây lan dịch tả lợn châu Phi.
Người dân huyện Bạch Thông phun thuốc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi phòng ngừa lây lan dịch tả lợn châu Phi.

Tại huyện Na Rì nơi đang có dịch tả lợn Châu Phi, toàn huyện chỉ còn 248 lít thuốc sát trùng. Lượng thuốc này chỉ đủ dùng phun khử khuẩn trong hai tuần tới. Trong trường hợp dịch lan rộng ra các xã gần vùng dịch, nhu cầu lớn hơn, lượng thuốc sát trùng có thể cạn kiệt ngay lập tức.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Rì Lương Thanh Lộc, hiện chỉ có thể ưu tiên phun khử khuẩn ở vùng có dịch, tạm thời chưa phun những vùng lân cận bị dịch uy hiếp. Để bảo đảm phòng, chống dịch, Na Rì đang cần từ 1.000-1.500 lít hóa chất. Địa phương không có kinh phí mua hóa chất nên đã đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Tương tự như vậy, huyện Pác Nặm cũng đang có dịch tả lợn Châu Phi nhưng hiện chỉ còn dưới 200 lít hóa chất. Số thuốc này chỉ đủ dùng trong thời gian ngắn, sắp tới nếu không được bổ sung cũng sẽ hết.

Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi, thú y Bắc Kạn Đỗ Xuân Việt, hiện toàn tỉnh chỉ còn hơn 1.000 lít thuốc sát trùng để phun khử khuẩn. Số hóa chất này đã phân hết về các huyện, thành phố. Nếu dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan hoặc phát sinh thêm các bệnh khác trên đàn vật nuôi sẽ cạn kiệt thuốc.

Với số lượng thuốc đang có, trước mắt, Bắc Kạn chỉ có thể điều chuyển thuốc sát trùng từ huyện chưa có dịch sang vùng có dịch để giải quyết tình thế cấp bách. Tuy nhiên, số lượng điều chuyển không được nhiều vì các huyện cũng cần để lại một phần dự phòng.

Lượng thuốc Bắc Kạn đang có chủ yếu từ năm 2021 chuyển sang. Năm 2022, Bắc Kạn đã tổ chức nhiều cuộc đấu thầu mua thuốc sát trùng và một số loại vaccine tiêm phòng khác nhưng không có doanh nghiệp dự thầu dẫn tới phải hủy thầu. Đến thời điểm này của năm 2023, toàn tỉnh cũng chưa mua được thuốc sát trùng để phun khử khuẩn.

Với số lượng thuốc đang có, trước mắt, Bắc Kạn chỉ có thể điều chuyển thuốc sát trùng từ huyện chưa có dịch sang vùng có dịch để giải quyết tình thế cấp bách. Tuy nhiên, số lượng điều chuyển không được nhiều vì các huyện cũng cần để lại một phần dự phòng.

Trong khi đó, việc tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi tại Bắc Kạn cũng đang gặp khó khăn. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn, loại vaccine hiện tại đã được thử nghiệm cho kết quả tốt. Tuy nhiên, với đặc thù tỉnh Bắc Kạn chăn nuôi lợn trong nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 70% thì đa số các hộ không tiêm đầy đủ các loại vaccine cho đàn lợn theo quy định. Trong khi đó, để tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn phải đúng độ tuổi (từ 4-10 tuần tuổi) và đã được tiêm đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Đây là điều ảnh hưởng tới kết quả tiêm phòng.

Không chỉ thiếu về thuốc tiêu độc, khử trùng, Bắc Kạn còn thiếu cả đội ngũ thú y viên cơ sở, đội ngũ tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Bắc Kạn thiếu nhân lực, vật lực chống dịch trên vật nuôi ảnh 1

Bắc Kạn thiếu nhiều thú y viên cơ sở. (Trong ảnh: Thú y viên cơ sở tiêm vaccine phòng bệnh trên đàn gia súc cho nhân dân).

Tại cấp huyện số lượng công chức, viên chức có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y công tác tại các phòng chuyên môn của cấp huyện và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của Bắc Kạn hiện chỉ có từ 1-3 công chức, viên chức. Điều này dẫn đến công tác tham mưu, tổng hợp báo cáo kết quả về lĩnh vực chăn nuôi, tình hình dịch bệnh chưa được kịp thời, chất lượng báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu.

Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát dịch bệnh tại cơ sở không được thực hiện thường xuyên. Tại cấp xã hiện còn 6/108 xã ở các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Pác Nặm và Na Rì chưa kiện toàn được nhân viên thú y cấp xã.

Ngoài ra, còn có 4 xã ở Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn hiện cán bộ phụ trách thú y không có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y. Tỉnh cũng có tới 18/108 xã cán bộ phụ trách thú y chỉ có trình độ sơ cấp thú y.

Trước tình hình này, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nông Quang Nhất đã chỉ đạo ngành chuyên môn phải nhanh chóng tham mưu để tỉnh đề xuất trung ương hỗ trợ thuốc tiêu độc, khử trùng từ nguồn dự trữ quốc gia. Các sở, ngành liên quan cần làm rõ nguyên nhân vì sao chưa đấu thầu mua được thuốc sát trùng và một số loại vaccine, từ đó có giải pháp để tổ chức đấu thầu mua sắm ngay trong thời gian tới.

Đối với tình trạng thiếu thú y viên cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện quan tâm xem xét sắp xếp, bố trí, tuyển dụng để kiện toàn trong thời gian sớm. Trước mắt, tăng cường áp dụng cách đưa thú y viên hiện có thực hiện tiêm liên xã để bảo đảm công tác tiêm phòng.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn kiến nghị tỉnh xem xét, tổ chức lựa chọn nhà thầu mua vaccine tiêm phòng định kỳ từ năm 2024 trở đi theo từng đợt (tổ chức mua 2 đợt/năm) để không phát sinh chi phí gửi kho của đơn vị cung cấp dẫn đến làm tăng giá mua sắm.

Đồng thời Sở cho tổ chức thực hiện giám sát tiêm phòng thí điểm hai loại vaccine dịch tả lợn châu Phi đã được cung ứng thương mại trên thị trường; đánh giá tính phù hợp, từ đó lựa chọn loại phù hợp.

Được biết, trong 7 tháng đầu năm nay, tại Bắc Kạn đã tái bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn của 16 hộ ở 7 thôn với số lợn mắc bệnh, chết tiêu hủy là 51 con, trọng lượng tiêu hủy 877kg. Bệnh dại động vật đã phát sinh 3 ổ dịch. Tỷ lệ tiêm phòng đợt 1 năm 2023 không có huyện nào của Bắc Kạn đạt chỉ tiêu kế hoạch giao.