Bắc Kạn: Nghị quyết đúng tạo ra hướng đi đúng

Với tỷ lệ đất lâm nghiệp chiếm tới 86% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh Bắc Kạn, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nguồn tài nguyên này luôn là một trong những nội dung quan trọng trong nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch của các cấp ủy ở Bắc Kạn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn kiểm tra, rà soát quy hoạch quản lý, bảo vệ rừng. (Ảnh: TUẤN SƠN)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn kiểm tra, rà soát quy hoạch quản lý, bảo vệ rừng. (Ảnh: TUẤN SƠN)

Tại một số địa phương của tỉnh Bắc Kạn, những câu chuyện làm giàu từ trồng rừng đã trở nên phổ biến. Đi đầu phong trào có rất nhiều đảng viên và bí thư chi bộ.

Chọn hướng đi đúng

Thôn Bản Pá thuộc xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 120ha, là nơi chung sống của 25 hộ người dân tộc Tày, Kinh, Dao. Như nhiều thôn, bản khác trong tỉnh, đất lâm nghiệp là vốn quý ở Bản Pá. Việc trồng rừng mang lại hiệu quả kép ở Bản Pá có vai trò rất lớn của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hà Văn Trường.

Được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã trực tiếp giao nhiệm vụ, đồng chí Hà Văn Trường đã thể hiện vai trò của người có uy tín trong thôn, vận động nhân dân phát triển thế mạnh trồng rừng rất bài bản và hiệu quả. Thường xuyên bám nắm địa bàn, đồng chí đôn đốc, vận động các hộ gia đình kiểm tra, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng trồng.

Chung sức, đồng lòng nên cả thôn không còn đồi núi trọc, rừng đã phủ mầu xanh. Người dân có nguồn thu nhập cao từ trồng rừng. Trong đó, có nhiều hộ mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ rừng.

Bắc Kạn: Nghị quyết đúng tạo ra hướng đi đúng ảnh 1

Người dân xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn chăm sóc giống cây lâm nghiệp. (Ảnh: HƯƠNG LIỄU)

Đến nay, tất cả các chi bộ thôn, bản ở Bắc Kạn đều được quán triệt, chỉ đạo triển khai mạnh mẽ chủ trương khuyến khích nhân dân bảo vệ và trồng rừng. Xã nào có đất lâm nghiệp cũng đều xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về quản lý, bảo vệ rừng trong nghị quyết đại hội.

Các đảng bộ huyện, thành phố đều đưa kinh tế rừng là trọng tâm. Mạch chỉ đạo xuyên suốt này được bắt nguồn, lan tỏa từ tầm nhìn và sự lựa chọn hướng đi đúng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, được cụ thể hóa bằng các đề án, chương trình khơi dậy tiềm năng kinh tế, thúc đẩy phong trào trồng và bảo vệ rừng.

Sự điều chỉnh nêu trên căn cứ trên tình hình thực tế. Trước năm 2015, tỉnh Bắc Kạn từng lựa chọn đưa công nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực nhưng không thành công. Sau đánh giá, rút kinh nghiệm, thảo luận kỹ lưỡng và đồng thuận cao, tại Nghị quyết số 20-NQ/ĐH ngày 17/10/2015, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu trồng mới

6.500ha rừng/năm; nâng độ che phủ rừng lên 72% và xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng. Đến Nghị quyết số 16-NQ/ĐH ngày 28/10/2020, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu: diện tích trồng rừng bình quân/năm đạt 3.500ha (trồng lại rừng sau khai thác và cây phân tán); duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%.

Cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành 4 nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là kinh tế rừng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chính sách có tính chất “đòn bẩy”, thông qua các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa; kế hoạch phát triển dược liệu dưới tán rừng…

Từ năm 2017 tới nay, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp ủy, chính quyền cấp huyện đã ban hành hàng trăm văn bản, tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng bộ tỉnh không chỉ thể hiện ở kết quả phát triển rừng mà còn ở cả việc xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm.

Theo Tỉnh ủy Bắc Kạn, từ năm 2017 tới hết năm 2022, đã có một giám đốc, một phó giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể bị khiển trách vì để xảy ra phá rừng trái phép; một chủ tịch ủy ban nhân dân xã bị cách chức vì buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng; 4 phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã bị khiển trách vì buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng trái phép; có 23 công chức, viên chức kiểm lâm nhận các hình thức kỷ luật vì để xảy ra phá rừng…

Bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của Bắc Kạn hiện tại là hơn 417.500ha, bao gồm hơn 27.500ha rừng đặc dụng, hơn 83.400ha rừng phòng hộ và 306.400ha rừng sản xuất. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu trồng rừng giai đoạn 2021-2025 đạt 17.500ha.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, toàn tỉnh đã trồng được hơn 19.786ha rừng, đạt hơn 113% kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương đã không còn đất trống để trồng mới, chuyển sang tập trung trồng rừng phân tán và trồng lại sau khai thác.

Bắc Kạn: Nghị quyết đúng tạo ra hướng đi đúng ảnh 3

Tổ tuần rừng thôn Thẳm Mu, xã Văn Lang, huyện Na Rì, Bắc Kạn cùng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng đặc dụng tại Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ. (Ảnh: TUẤN SƠN)

Những năm trước, Bắc Kạn có nhiều điểm “nóng” về khai thác rừng trái phép, nhất là các diện tích rừng đặc dụng có nhiều gỗ quý, hiếm. Từ khi thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, số vụ vi phạm về phá rừng đã giảm bình quân 153 vụ/năm so với giai đoạn trước năm 2015.

Các vụ việc phá rừng tự nhiên để khai thác gỗ quý, hiếm, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên giảm rõ rệt. Các biện pháp xử lý hành vi vi phạm được thực hiện mạnh mẽ, đã có tác dụng răn đe, phòng ngừa, không để hình thành điểm “nóng”.

Đánh giá về kết quả thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2017 tới nay, Tỉnh ủy Bắc Kạn nhận định, độ che phủ rừng rất cao với phần lớn là rừng tự nhiên, việc không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác cần được thực hiện song song với xem xét, cân đối để tạo thuận lợi thu hút các chương trình, dự án đầu tư, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ tốt các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp; rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển lâm nghiệp.

Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho Đảng bộ tỉnh để bảo đảm “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ diện tích rừng, vừa tạo điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã thể hiện thực tiễn sinh động về việc nghị quyết đúng tạo ra hướng đi đúng và hiệu quả cao, thúc đẩy quá trình đưa Bắc Kạn trở thành trung tâm về thị trường gỗ nguyên liệu, du lịch sinh thái và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon.