Bắc Kạn nâng cao giá trị rừng trồng

Trong hơn 10 năm qua, Bắc Kạn là điểm sáng về phong trào trồng rừng, đưa địa phương này đứng đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Tuy nhiên, chất lượng rừng trồng của Bắc Kạn chưa cao, giá trị kinh tế mang lại chưa tương xứng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới khai thác gỗ rừng trồng. (Ảnh HƯƠNG LAN)
Người dân xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới khai thác gỗ rừng trồng. (Ảnh HƯƠNG LAN)

Điểm sáng trồng rừng

Bình Trung (huyện Chợ Đồn) là xã tiêu biểu trong việc vươn lên nhờ trồng rừng. Trước đây, dù đất lâm nghiệp nhiều nhưng người dân chủ yếu để rừng phát triển tự nhiên; sản vật thu chủ yếu là tre, nứa, vầu, giá trị kinh tế thấp. Nhưng giờ đây, Bình Trung không chỉ có bạt ngàn rừng trồng mà còn có nhiều cơ sở chế biến gỗ có quy mô.

Năm 2013, anh Quản Trọng Quỳnh ở thôn Đon Liên, xã Bình Trung bắt tay vào trồng rừng. Với tư duy “lấy ngắn nuôi dài”, tiền dành dụm được anh đều đầu tư vào trồng rừng, mỗi năm tăng lên một chút. Từ chỗ chỉ có khoảng 10 ha, đến nay sau hơn 10 năm anh Quỳnh đã có hơn 40 ha đất đồi rừng, trong đó 13 ha rừng trồng các loại cây, như: mỡ, keo, quế, bồ đề đã được khai thác. Tổng thu nhập hằng năm từ rừng sau khi đã trừ chi phí đạt hơn một tỷ đồng.

Từ những điển hình như anh Quản Trọng Quỳnh, đến nay, Bình Trung có tổng diện tích rừng sản xuất đạt 2.050 ha, trong đó hơn 563 ha mỡ, 1.431 ha keo, 60 ha quế trải dài hơn 15 thôn, bản. Gỗ rừng trồng không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện mà còn được tư thương từ tỉnh Thái Nguyên lên mua. Trong khi đó, toàn huyện Chợ Đồn đã có diện tích rừng trồng hơn 14.000 ha

với trọng điểm là các xã phía nam như: Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Phong… Toàn huyện hiện có hơn 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chế biến, kinh doanh lâm sản, chủ yếu là cơ sở sản xuất ván bóc, băm dăm, giấy đế, đóng đồ mộc, đồ gia dụng, đũa gỗ…

Có thể thấy, ở Bắc Kạn, phong trào trồng rừng ngày càng được người dân hưởng ứng tích cực, hình thức đầu tư, phát triển rừng chuyển dần từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội, góp phần vào giải quyết sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy ngành nghề sản xuất, chế biến lâm sản.

Chỉ tiêu trồng rừng từ năm 2021 tới nay của Bắc Kạn đều đạt và vượt kế hoạch giao từ 128-143%, nâng tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên hơn 102.000 ha. Nhiều địa phương thậm chí không còn đất trống để trồng rừng, phải tập trung vào trồng rừng, phân tán và trồng lại sau khai thác.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân cho biết: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu trồng rừng giai đoạn 2021-2025 đạt 17.500 ha. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, toàn tỉnh đã trồng được hơn 19.786 ha rừng, đạt hơn 113% kế hoạch đề ra.

Nâng cao giá trị

Mặc dù diện tích rừng trồng chiếm tỷ lệ tương đối lớn so với tổng diện tích có rừng, nhưng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng của Bắc Kạn mang lại hiệu quả chưa cao. Tính toán của ngành nông nghiệp cho thấy:

Cây keo với chu kỳ kinh doanh từ 5-7 năm, bình quân thu được khoảng từ 80-100 triệu đồng/ha; cây mỡ với chu kỳ kinh doanh từ 10-12 năm, bình quân thu được khoảng từ 100-120 triệu đồng/ha; cây quế với chu kỳ kinh doanh từ 10-15 năm, bình quân thu được khoảng từ 180-250 triệu đồng/ha; cây hồi với chu kỳ kinh doanh từ 10-15 năm, bình quân thu được khoảng từ 200-250 triệu đồng/ha; cây thông với chu kỳ kinh doanh từ 15-20 năm, bình quân thu được khoảng từ 160-220 triệu đồng/ha.

Một thực tế đặt ra, với chu kỳ khoảng 10 năm, chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng/ha, bình quân mỗi năm được khoảng 10 triệu đồng/ha là rất thấp, trong khi, người dân còn phải mất chi phí khai thác, vận chuyển. Chu kỳ chăm sóc đến khi khai thác kéo dài trong khi người dân thiếu nguồn thu nhập khác dẫn tới tình trạng “bán rừng non” khi cây chưa sinh trưởng đủ sinh khối.

Trước bài toán này, Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao giá trị từ rừng trồng. Với quan điểm “đất nào cây đó”, khắc phục tình trạng trồng ồ ạt không phù hợp với khí hậu, địa chất, tỉnh đã phân vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ với loài cây chính là keo, mỡ, thông và các loài cây phụ trợ như lát, trám, xoan, quế, hồi, sao...

Để giảm chi phí trong khai thác, vận chuyển, Bắc Kạn đầu tư hơn 224 tỷ đồng, thực hiện đầu tư xây dựng 251 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài gần 500 km. Có đường lâm nghiệp, xe vận chuyển vào tận tới chân các lô rừng sản xuất. Giải pháp chủ chốt đang được tỉnh tập trung chỉ đạo là tăng cường trồng rừng gỗ lớn; nhân rộng kỹ thuật tỉa thưa và trồng cây bản địa dưới tán rừng.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu áp dụng triệt để kỹ thuật tỉa thưa để hình thành rừng gỗ lớn thì giá trị thu được sẽ tăng gấp nhiều lần. Như cây mỡ, sau khi trồng đến năm thứ năm, người dân tỉa thưa lần một để mật độ khoảng 1.000 cây/ha; đến năm thứ bảy, tỉa thưa lần hai chỉ để lại 600 cây/ha, lần tỉa thưa cuối cùng để khoảng 400 cây/ha.

Nếu áp dụng quy trình này thì tổng doanh thu sẽ đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. Đối với cây keo thực hiện theo phương pháp này sẽ đạt gần 300 triệu đồng/ha trong chu kỳ 12 năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Sỹ Huân cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp.

Đồng thời Bắc Kạn sẽ chỉ đạo, triển khai thực hiện quy củ việc phân vùng trồng để tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ.

Tỉnh cũng khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ đa dạng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đẩy mạnh liên doanh liên kết với các nhóm hộ, hoặc hợp tác xã để thực hiện việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tỉnh cũng tiếp cận, triển khai chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon.