Năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua quy hoạch hệ thống đường lâm nghiệp giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2015-2025, Bắc Kạn quy hoạch xây dựng 356 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài 1.208km.
Cuối năm 2021, Bắc Kạn phê duyệt dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp trên địa bàn 73 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố.
Bắc Kạn xây dựng đường phục vụ sản xuất lâm nghiệp
Đến nay, Bắc Kạn đã hoàn thành xây dựng hơn 614km đường lâm nghiệp. Các tuyến góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân, tạo mạng mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, tăng cường khả năng cơ giới hóa để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, nhu cầu mở mới các tuyến đường lâm nghiệp ở tỉnh còn rất lớn vì còn rất nhiều diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác ở các vị trí xa xôi, hẻo lánh không có đường vào. Ngoài ra, theo dự án đã duyệt thì thực tế đến đầu năm 2023 còn khoảng 428km khó có khả năng thực hiện do vướng mặt bằng.
Vì vậy, để “đưa” vốn từ những nơi khó hoặc không thể triển khai sang những chỗ cần và có thể triển khai, đồng thời, mở rộng thêm mạng lưới đường lâm nghiệp, Bắc Kạn đã quyết định nghiên cứu bổ sung quy hoạch.
Thi công đường lâm nghiệp tại huyện Pác Nặm. (Ảnh: TUẤN SƠN). |
Qua rà soát, các huyện, thành phố đã đề xuất bổ sung 296 tuyến với tổng chiều dài hơn 620km vào quy hoạch. Bắc Kạn đã chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra thực địa và xác định có 214 tuyến với tổng chiều dài hơn 428km đủ điều kiện, bảo đảm các tiêu chí, các yếu tố khả thi trong tổ chức thực hiện để bổ sung vào Quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn 2030.
Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn 2030 bổ sung thêm 214 tuyến đường mới. Tổng mức đầu tư thực hiện quy hoạch tăng từ hơn 600 tỷ đồng lên hơn 800 tỷ đồng.
Với hơn 100.000ha rừng trồng, Bắc Kạn là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, vì địa hình chia cắt mạnh cho nên khâu khai thác gỗ rừng trồng ở địa phương này rất vất vả. Người dân rất tốn kém chi phí thuê nhân công khai thác, vận chuyển mà công suất khai thác cũng không cao, gỗ dễ bị hư hại.
Theo tính toán sơ bộ, bình quân 1ha rừng trồng sau 7 đến 8 năm khai thác được khoảng 80m3 gỗ, thu được khoảng 60 triệu đồng nhưng người dân phải trừ đi 20 đến 30 triệu đồng chi phí khai thác, vận chuyển.
Vì vậy, việc mở rộng mạng lưới đường lâm nghiệp sẽ tạo đột phá cho khâu khai thác gỗ rừng trồng ở địa phương này trong thời gian tới. Đồng thời, tạo nên mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, kết hợp với giao thông nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.