Gia đình anh Vũ Minh Mẫn, ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới trồng được hơn 50 ha rừng keo, mỡ ở các xã Cao Kỳ, Hòa Mục, đến chu kỳ cho thu hoạch mà anh Mẫn không có cách gì vận chuyển gỗ từ rừng ra đường giao thông, nếu thuê người khuân vác, thuê trâu kéo từ rừng ra đường giao thông thì giá trị của rừng rất thấp, chỉ đạt 30 - 40 triệu đồng/ha rừng trồng.
Trước tình hình đó, anh Mẫn đã thuê máy xúc, máy ủi mở ba tuyến đường: Bản Chang - Không Thưa, Bản Chang - Khuổi Mịch ở xã Hoà Mục; Cao Kỳ - Kéo Chim ở xã Cao Kỳ dài tổng số gần bốn km. Ba tuyến đường lâm nghiệp được máy xúc, máy ủi mở nền đường rộng hơn ba mét để ô- tô tải đi được từ đường giao thông đến các khu rừng trồng chở gỗ. Giá thành mỗi km đường khoảng 20 triệu đồng.
Khi có đường lâm nghiệp, việc vận chuyển gỗ đi tiêu thụ trở nên dễ dàng và giá thành vận chuyển hạ. Anh Mẫn cho biết: “Một ha keo đến thời kỳ cho thu hoạch, nếu không có đường lâm nghiệp vận chuyển thì chỉ bán được khoảng 50 triệu đồng, nếu có sẵn đường vận chuyển thì bán được khoảng 80 triệu đồng”.
Đường lâm nghiệp không những có tác dụng đối với việc vận chuyển gỗ, mà còn có tác dụng thiết thực đối với việc phát triển rừng, đó là thuận lợi khi vận chuyển giống, phân bón khi trồng; đi lại chăm sóc, tuần rừng phòng, chống cháy rừng. Do đó, những năm gần đây nhân dân huyện Chợ Mới chú trọng tự tạo mạng lưới đường lâm nghiệp.
Tùy theo điều kiện và tình hình thức tế mà nhân dân huyện Chợ Mới có nhiều cách phát triển hệ thống đường lâm nghiệp. Giá trị mỗi ha rừng trồng khoảng 80 triệu đồng, vì không có đường nên người dân bán khoảng 50 - 55 triệu đồng/ha, số tiền còn lại để người mua tự tạo đường vận chuyển gỗ. Đường lâm nghiệp tạo một lần là sử dụng được mãi mãi.
Những hộ có điều kiện thì thuê máy xúc, máy ủi làm đường. Hộ có nhiều rừng thì mua máy về tự lái, hoặc thuê người lái làm đường lâm nghiệp, ai cần thì cho thuê.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Bế Ngọc Hùng cho biết: “Trong khi Nhà nước và địa phương chưa có vốn đầu tư hệ thống đường lâm nghiệp thì nhân dân trong huyện đã chủ động, có nhiều cách làm sáng tạo để tự tạo mạng lưới đường lâm nghiệp để vận chuyển gỗ đi tiêu thụ. Qua đó, góp phần thiết thực khai thác tiềm năng, lợi thế đất lâm nghiệp trên địa bàn. Khu rừng nào đến chu kỳ cho khai thác là người dân mở đường lâm nghiệp, đến nay nhân dân đã tự tạo được hơn 100 km đường lâm nghiệp từ đường giao thông đến chân lô”.
Từ việc phát huy nội lực để tự đầu tư làm đường lâm nghiệp, không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, tiềm năng đất lâm nghiệp ở huyện Chợ Mới đã được khai thác tốt để trồng rừng. Đây là cách phát triển bền vững từ rừng, qua đó đã mang lại thu nhập khá cho nhân dân, góp phần đưa huyện Chợ Mới giảm bình quân từ 4 - 5% hộ nghèo mỗi năm, đến nay toàn huyện chỉ còn hơn 12% hộ nghèo.