Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh cùng Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì đối thoại.
Tại hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức công bố kết quả khảo sát chỉ số DDCI (chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố) của tỉnh.
Bảng xếp hạng DDCI của Bắc Kạn năm 2022 vẫn cho thấy ba địa phương dẫn đầu vẫn là huyện Chợ Đồn, Ba Bể và Ngân Sơn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là điểm số của các huyện, thành phố đều đã tăng so với năm trước. Đồng thời, khoảng cách điểm số giữa các huyện, thành phố cũng đã được rút ngắn nhiều so với năm 2021.
Đối với khối sở, ngành, ba sở đứng đầu là Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, trong số 19 sở, ngành được khảo sát, đánh giá thì có tới hơn một nửa đơn vị giảm điểm so với năm 2021. Các đơn vị giảm điểm nhiều nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
Năm 2022, lần đầu tiên Bắc Kạn đưa chỉ số người đứng đầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có ảnh hưởng quyết định đến công tác cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Điểm trung vị của chỉ số này năm nay đạt 17.28 điểm, ở mức trung bình cao so với mặt bằng chung các chỉ số thành phần. Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ và đánh giá cao vai trò, nỗ lực, sáng tạo của người đứng đầu.
Báo cáo đánh giá chỉ số DDCI cũng thẳng thắn chỉ rõ một số điểm đáng quan tâm, đó là: nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhận định “có mối quan hệ với cán bộ Nhà nước” giúp doanh nghiệp thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính; vẫn còn tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu; các chương trình hỗ trợ còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực tiễn; phổ biến và thực thi các văn bản pháp luật chưa đồng nhất…
Doanh nghiệp phát biểu nêu kiến nghị, đề xuất tại hội nghị. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, hội nghị sẽ thực hiện trao đổi thực chất, phát biểu cởi mở để “biết”, để “hiểu”, chia sẻ và có giải pháp tháo gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất tập trung vào các vấn đề, như: đề xuất bộ ngành liên quan về khó khăn, sự cần thiết chỉnh sửa, bổ sung các luật phù hợp với thực tế tỉnh nghèo; giảm mức thuế đối với các loại tài nguyên; thống nhất thực hiện đồng bộ các chính sách từ trên xuống dưới, tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh"; có chương trình hỗ trợ, ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp công nghệ cao.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị xây dựng công cụ số để người dân tham gia đánh giá thái độ, trách nhiệm cán bộ Nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các Hợp tác xã mới thành lập; kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư, kết nối cung cầu sản phẩm; tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; chưa có rừng FSC để chứng nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu sang châu Âu…
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã tiếp thu, ghi nhận, giải đáp nhiều kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tích cực nắm, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để đồng hành, kịp thời tháo gỡ, giải quyết để doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần đưa Bắc Kạn ngày càng phát triển.