Thay vì đào tạo theo những gì mình có, tỉnh Bắc Kạn đã chuyển hướng sang đào tạo theo địa chỉ và những gì người dân cần. Nhờ đó, người dân được học nghề gắn với thế mạnh, khả năng của gia đình, địa phương, giúp phát triển các mô hình kinh tế.
Một trong những mô hình hiệu quả ở Bắc Kạn là đào tạo nghề vỗ béo trâu, bò cho đồng bào vùng cao huyện Pác Nặm. Nhờ được đào tạo kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đại gia súc, người dân đã thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt, trồng cỏ vỗ béo.
Tại xã Nghiên Loan, người dân ở đây đến các chợ phiên tại các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang để tìm mua trâu, bò. Giá mua đầu vào khoảng 10 đến 15 triệu đồng/con. Sau khi nuôi vỗ béo từ khoảng 5-7 tháng có thể bán được từ 20 đến 25 triệu đồng/con.
Trong 1 năm, nhà nào có kinh nghiệm và chịu khó có thể nuôi được 3 lứa vỗ béo, số lượng phụ thuộc vào thức ăn, cỏ của mỗi người nuôi. Nhiều hộ làm giàu từ chăn nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo như hộ gia đình ông Đinh Văn Tỷ ở thôn Pác Liển, ông Ma Văn Vương và Đặng Quầy Lẩy ở thôn Bản Đính…
Người dân cũng không phải đi xa bán vì chợ trâu, bò Nghiên Loan là một trong những chợ đầu mối đại gia súc lớn nhất phía bắc. Mỗi phiên giao dịch hàng nghìn con trâu, bò với giá trị kinh tế vài chục tỷ đồng.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh Covid-19 phức tạp và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động, Bắc Kạn đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần. Qua đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn được nguồn nhân lực ngay từ đầu vào và kiểm soát chương trình, nội dung đào tạo bảo đảm chất lượng theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.
Các nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh, trong đó tập trung vào đối tượng học sinh các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các hoạt động truyền thông, tư vấn định hướng nghề nghiệp qua nhiều hình thức khác nhau như tư vấn trực tiếp học sinh, qua phụ huynh học sinh, phát thông báo tuyển sinh trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh... Mỗi năm, tỉnh đã tuyên truyền, tư vấn việc làm cho 3.000 học sinh tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn và trên 500 lượt phụ huynh, giáo viên các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông được nghe tư vấn.
Hiện nay, Bắc Kạn đã có 19 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 1 trường cao đẳng, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 3 doanh nghiệp và 3 cơ sở khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước khẳng định được vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Từ năm 2010 đến nay, đào tạo nghề trong toàn tỉnh ở các cấp trình độ đào tạo đạt hơn 71.400 lao động, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đạt 29.720 người; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã được hơn 4.000 người, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Sau học nghề, có hơn 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất; có hơn 70% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương; đồng thời góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động, phát huy hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát, từ năm 2010 đến năm 2020, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 hộ có người tham gia học nghề được thoát nghèo, hơn 2.600 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá. Riêng năm 2021, Bắc Kạn đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 3.807 người, trong đó, hệ cao đẳng là 27 người; trung cấp là 560 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 3.220 người.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, yêu cầu tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và xu hướng phát triển chung của khu vực, trong nước và quốc tế; làm tốt công tác khảo sát nhu cầu đào tạo, lực lượng lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xác định mục tiêu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Bắc Kạn phấn đấu, từ năm 2021 đến 2025, đào tạo nghề cho 6.000 người/năm, giải quyết việc làm cho 6.400 người/năm, trong đó đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 600 người/năm.