Bắc Kạn kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, Bắc Kạn đã trở thành một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP nhiều trong cả nước. Địa phương này cũng tích cực triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Hợp tác xã giới thiệu sản phẩm miến dong tới du khách.
Nhân viên Hợp tác xã giới thiệu sản phẩm miến dong tới du khách.

Thời gian qua, Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá giúp đưa thương hiệu, sản phẩm OCOP có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Từ năm 2017 tới nay, Bắc Kạn tổ chức nhiều giải pháp hỗ trợ, hội nghị quảng bá, xúc tiến, kết nối qua đó giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống các siêu thị lớn, đưa hàng trăm sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart.

Tháng 3/2023, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của Bắc Kạn đạt thêm bước tiến khi có 2 Hợp tác xã có sản phẩm lên sàn thương mại điện tử https://www.alibaba.com, một trong 10 sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Tham gia sàn thương mại lớn này, Hợp tác xã Tài Hoan giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm miến dong. Sản phẩm miến dong là sản phẩm truyền thống có từ năm 1965. Còn Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành giới thiệu đến người dùng thế giới các sản phẩm từ củ nghệ, gừng, bao gồm bột nghệ nếp đỏ, bột nghệ nếp đen, bột giềng, giềng thái lát, gừng thái lát… Đây được đánh giá là sản phẩm chất lượng hàng đầu Việt Nam xuất xứ 100% hữu cơ tự nhiên.

Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ các hợp tác xã và người nông dân tăng cường chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Miến dong Tài Hoan là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đầu tiên của tỉnh và được xuất khẩu, mở ra cơ hội lớn để Hợp tác xã Tài Hoan (Na Rì) mở rộng liên kết xây dựng vùng trồng cây dong riềng chất lượng cao, đáp ứng nguyên liệu phục vụ chế biến. Hợp tác xã đã liên kết với 500 hộ dân trồng 70ha dong riềng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển cây trồng thế mạnh của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định, bền vững.

Đặc biệt, Bắc Kạn đã mạnh dạn định hướng sản xuất sản phẩm OCOP xuất khẩu và bước đầu đạt thành tựu. Hai năm qua, Bắc Kạn đã tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước và quốc tế; chủ động quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình OCOP ở các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Miến dong Tài Hoan được xuất khẩu thành công sang châu Âu là minh chứng rõ nét cho thành công của những nỗ lực đó.

Bắc Kạn kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 1

Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Nam Misaki.

Thành công của Hợp tác xã Tài Hoan đã trở thành kinh nghiệm quý cho các đơn vị, hợp tác xã tại Bắc Kạn trên con đường mở rộng thị trường ngoài nước. Tháng 10/2022, Bắc Kạn tiếp tục có Hợp tác xã nông nghiệp thứ hai tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đưa được sản phẩm Rượu men lá OCOP 3 sao sang thị trường cũng không kém phần khắt khe là Nhật Bản. Với việc chỉ sau vài năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Bắc Kạn có Hợp tác xã nông nghiệp xuất khẩu sản phẩm đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc mở rộng thị trường.

Thay vì chỉ loay hoay với những thị trường trong nước, các hợp tác xã vùng cao đã có bước đi dài mang tính đột phá. Với 170 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao trở lên, xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn cũng sẽ là hướng đi mới cho nông sản Bắc Kạn.

Thời gian tới các địa phương và ngành chức năng xác định tiếp tục lựa chọn những sản phẩm có ưu thế để đầu tư phát triển, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị lớn, đồng thời tăng cường quảng bá để các thị trường trong và ngoài tỉnh biết, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn tập trung củng cố, phát triển nâng hạng các sản phẩm; đưa các sản phẩm thế mạnh lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel. Bắc Kạn giao các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Bắc Kạn, các sàn thương mại điện tử tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ kết nối, hướng dẫn tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử.