Ða dạng hình thức
Ðể đào tạo nghề (ÐTN) cho lao động nông thôn (LÐNT) đúng, trúng, tỉnh Bắc Cạn vừa ÐTN theo hình thức "cầm tay, chỉ việc", vừa nâng cao chất lượng dạy, học ở các trung tâm, cao đẳng dạy nghề, kết hợp định hướng, quản lý, giám sát việc ÐTN của các tổ chức chính trị, xã hội.
Xã Yến Dương, huyện Ba Bể có tiềm năng về cây ăn quả, tuy nhiên, người dân không biết áp dụng kỹ thuật cho nên hiệu quả thấp. Từ khi Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN) huyện Ba Bể mở lớp dạy nghề trồng cam, quýt đã giúp nâng cao năng suất. Với hơn 2 ha đất đồi, ông Hoàng Ðức Xuân, thôn Nà Giảo trồng 700 cây theo đúng quy cách, phát cỏ sạch sẽ, cây xanh tốt, đang kỳ bói, quả sai lúc lỉu. Ông Xuân cho biết, qua học nghề, ông biết bón phân, tỉa cành, dưỡng quả, năng suất tăng từ 3 đến 5 tấn/vụ lên 8 đến 10 tấn/vụ, thu nhập đạt hơn 70 triệu đồng/năm. Qua lớp dạy nghề, người dân xã Yến Dương đã củng cố, mở rộng diện tích lên hơn 40 ha cho thu nhập khá, ổn định.
Giám đốc Trung tâm GDNN huyện Ba Bể Nguyễn Thị Khoa cho biết, trung tâm tư vấn trực tiếp cho người dân về ÐTN gắn với nhu cầu người học và việc làm; xây dựng, hoàn thiện 14 bộ giáo trình; sử dụng bộ thiết bị sửa chữa máy nông nghiệp, máy tính xách tay, máy chiếu... trong giảng dạy. Từ năm 2010 đến nay, trung tâm đã ÐTN cho 1.406 LÐNT các nghề sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng, chế biến món ăn, chăn nuôi, trồng trọt... Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt hơn 70%.
Từ nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Lúc-xăm-bua, tỉnh Bắc Cạn đầu tư hơn 200 tỷ đồng xây dựng Trường cao đẳng Nghề dân tộc nội trú theo mô hình xanh, thân thiện môi trường. Nhà trường ÐTN theo ba cấp: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề theo yêu cầu, nghiên cứu khoa học, liên kết đào tạo. Trường biên soạn giáo trình, chọn ngành nghề theo yêu cầu thực tế, nhu cầu học viên với 27 ngành nghề, như: kỹ thuật cơ khí, điện dân dụng, điện công nghiệp, chăn nuôi - thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật... Trung bình mỗi năm, trường đào tạo 500 học viên thì tất cả số học viên đều có việc làm sau tốt nghiệp.
Em Triệu Phúc Quân, dân tộc Dao ở xã Cao Sơn (huyện Bạch Thông), đang theo học lớp Trung cấp Ðiện dân dụng cho biết, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn do chỉ làm ruộng, em xác định học nghề để tìm việc làm ổn định. Học tại trường, được lo chỗ ăn, nghỉ vừa được trường, doanh nghiệp ký cam kết thực tập, giới thiệu việc làm nên rất yên tâm.
Tỉnh Bắc Cạn đã thực hiện lồng ghép hiệu quả công tác ÐTN thông qua các tổ chức chính trị, xã hội. Tiêu biểu là Hội LHPN tỉnh với Ðề án 295 "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015" và Ðề án 1956 "Ðào tạo nghề cho LÐNT đến năm 2020", phối hợp dạy nghề theo Chương trình 135 và chương trình khác. Hội mời giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm kết hợp với những người làm mô hình đã có hiệu quả để ÐTN; hỗ trợ thành lập các tổ liên kết, hợp tác sản xuất. Hội tư vấn dạy nghề cho 3.500 người; giới thiệu việc làm cho 250 người; số lao động có việc làm là 506 người; nhiều mô hình hiệu quả xuất hiện, như: trồng rau an toàn tại xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông), trồng lúa nếp thơm Thượng Quan (huyện Ngân Sơn), Hợp tác xã miến dong Côn Minh (huyện Na Rì), Hợp tác xã 20-10 sản xuất bún, phở khô Nông Hạ (huyện Chợ Mới)... Thông qua các mô hình, LÐNT có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ hai triệu đồng/tháng trở lên.
Ðến nay, tỉnh Bắc Cạn có 19 cơ sở giáo dục dạy nghề, gồm: hai trường cao đẳng, một trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN, ba doanh nghiệp và bốn trung tâm thuộc các tổ chức chính trị, xã hội; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nghề cho 659 người. Từ năm 2010 đến 2019, tỉnh Bắc Cạn đã tổ chức ÐTN cho 25.486 LÐNT; tỷ lệ LÐNT qua đào tạo nghề đạt 42%, đạt mức khá trong khu vực.
Lao động sau đào tạo sản xuất tinh bột nghệ tại Hợp tác xã Tân Thành (TP Bắc Cạn).
Gắn với việc làm
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Cạn Văn Phúc Thụ cho biết, để thay đổi tình trạng ÐTN theo những gì các cơ sở đào tạo có, còn những nghề người dân cần lại không đào tạo, tỉnh đã chỉ đạo điều tra, khảo sát từ nhu cầu học nghề của người lao động đến năng lực dạy nghề của các cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng lao động của cơ sở sản xuất, kinh doanh để xây dựng đề án dạy nghề sát thực tế. Tỉnh xây dựng mới 27 chương trình, giáo trình dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó, chú trọng nghề phù hợp trình độ, khả năng, thế mạnh của người dân và địa phương; quan tâm tới các đối tượng chính sách, khuyết tật.
Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bắc Cạn đã ÐTN cho 24.711 người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo; 2.754 hộ cận nghèo và 128 người khuyết tật, hầu hết đều có việc làm ổn định sau tốt nghiệp. Xã Cư Lễ, huyện Na Rì có 30 người khuyết tật, căn cứ hoàn cảnh từng người, huyện dạy nghề chăn nuôi trâu, bò và làm chổi chít. Huyện hỗ trợ bò sinh sản cho 11 hộ, đến nay đã sinh thêm hơn 10 bê con; hỗ trợ 100 triệu đồng dạy nghề, thành lập Hợp tác xã chổi chít Bình An tạo việc làm ổn định cho bốn người khuyết tật với thu nhập trung bình hai triệu đồng/tháng. Ðến nay, tỉnh Bắc Cạn đã dạy nghề cho 220 người khuyết tật ở nông thôn, giới thiệu việc làm cho 90 người.
Từ việc bám sát lợi thế của từng vùng trong ÐTN, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình lưu trú tại nhà dân bản địa (homestay) ở vùng hồ Ba Bể, Trung tâm GDNN huyện Ba Bể đã tổ chức mở lớp ÐTN cho bà con. Sau khi học nghề, ông Ðồng Văn Út, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu vay vốn nâng cấp căn nhà sàn của mình làm du lịch homestay. Với chín phòng nghỉ, chủ yếu là khách quốc tế, mỗi năm, trừ chi phí, ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Sau ÐTN, mô hình homestay đã mở rộng sang các thôn lân cận như Bó Lù, Cốc Tộc. Thời gian khách lưu trú trung bình 1,5 ngày/người, lượng khách quốc tế tăng hằng năm, riêng năm 2017 đã thu hút được gần 200.000 lượt, chiếm gần một nửa tổng lượng khách du lịch đến với Bắc Cạn. Trung bình mỗi thôn có tổng thu nhập nhờ làm du lịch từ hai đến ba tỷ đồng/năm.
Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề dân tộc nội trú tỉnh Bắc Cạn Trịnh Tiến Long cho biết, trường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thiết kế đào tạo phù hợp, có địa chỉ để học sinh, sinh viên có nơi thực tập nâng cao tay nghề. Từ năm 2018, nhà trường ký cam kết đào tạo, giới thiệu ba bên với hơn 20 doanh nghiệp, sinh viên chọn các nghề trọng điểm giúp tất cả học sinh, sinh viên sau đào tạo đều có việc làm. Thí dụ, Khoa Cơ điện, trung bình mỗi khóa đào tạo 200 em, đã ký kết với Công ty TNHH Thiên Sơn, Công ty Towada (Nhật Bản), Công ty Lilama 96.1, Công ty Kết cấu thép Sóc Sơn... bảo đảm toàn bộ các em được thực tập và có việc làm ngay.
Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả, tác động của công tác ÐTN có nơi chưa đúng mức; đánh giá tần suất sử dụng, tính hiệu quả, thiết thực của thiết bị đào tạo đã được đầu tư chưa được chú trọng; việc theo dõi và có biện pháp tích cực nhằm hỗ trợ duy trì nghề đã được đào tạo của các địa phương còn nhiều hạn chế. Mỗi năm tỉnh đặt mục tiêu ÐTN nông nghiệp cho 3.000 LÐNT nhưng kinh phí được cấp chỉ đủ đáp ứng 50%; LÐNT sau đào tạo không chuyên sâu còn nhiều, dẫn tới khó duy trì nghề đã học. Do thiếu các nhà máy, cơ sở công nghiệp cho nên khoảng 26 nghìn LÐNT của tỉnh Bắc Cạn vẫn phải đi làm việc ở ngoại tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Phạm Duy Hưng cho biết, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thời gian tới, Bắc Cạn tập trung cập nhật biến động lao động để hỗ trợ chuyển dịch việc làm sang hướng phi nông nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh giới thiệu việc làm, phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo địa chỉ việc làm cho LÐNT sau đào tạo. Bên cạnh đó, tỉnh xác định nâng cao chất lượng đào tạo trình độ kỹ thuật cao để phục vụ công tác xuất khẩu lao động và các ngành kinh tế mũi nhọn.