Bắc Giang: Tín dụng chính sách bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững

Sau gần 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả hết sức ấn tượng. Gần 10 năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách bền bỉ đã giúp nhiều hộ nghèo, các đối tượng chính sách có cơ hội vươn lên.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng chính sách tỉnh Bắc Giang.
Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng chính sách tỉnh Bắc Giang.

Ngày 22/11/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Chỉ thị số 40-CT/TW thể hiện định hướng lớn, lâu dài và chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại tỉnh Bắc Giang, ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh, Thành ủy, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, nghiên cứu, học tập sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và người lao động trong toàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Song song với việc phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW đến các tầng lớp trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Công văn số 1343-CV/TU ngày 11/9/2015 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, qua đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, địa phương đã cụ thể hóa và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp.

Sau gần 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức được rõ về vai trò, vị trí cũng như tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến nay đạt 14.246 tỷ đồng, với hơn 340 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 7.189 tỷ đồng, tăng 4.468,4 tỷ đồng so năm 2014, với gần 112 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 64,4 triệu đồng, tăng 42 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 5.278 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,4%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 1.911 tỷ đồng, chiếm 26,6%/tổng dư nợ.

Bắc Giang: Tín dụng chính sách bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững ảnh 1

Mô hình trồng dứa ở huyện Lục Nam thành công nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn chính sách.

Đi đôi với tăng trưởng tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Với việc triển khai đồng đồng bộ các giải pháp, chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,06%/tổng dư nợ, giảm 0,18% so với năm 2014.

Toàn tỉnh, có 127/209 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 61%), có 610/719 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 84,8%); có 3.004/3.128 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 96%).

Các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt trách nhiệm được Ngân hàng chính sách xã hội ủy thác, bảo đảm việc bình xét đối tượng vay vốn công khai, dân chủ để Ngân hàng chính sách xã hội ủy thác cho vay đúng chính sách đúng đối tượng.

Đến ngày 30/4/2024, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham gia quản lý 7.154,5 tỷ đồng, tăng 4.452 tỷ đồng (tăng 165%) so với cuối năm 2014, với 3.128 tổ tiết kiệm và vay vốn, 111,7 nghìn hộ vay vốn đang còn dư nợ, bình quân 1 tổ có 36 thành viên, dư nợ bình quân 1 tổ đạt 2,3 tỷ đồng; chất lượng tín dụng do các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, nợ quá hạn và nợ khoanh 4,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng dư nợ ủy thác, giảm 1 tỷ đồng so năm 2014.

Có thể khẳng định, tới thời điểm này Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại tỉnh Bắc Giang đã góp phần tích cực, tạo động lực cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tục triển khai quyết liệt hơn nữa tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 40-CT/TW bằng các Nghị quyết, văn bản cụ thể từ tỉnh đến cơ sở, góp phần chuyển biến tích cực trong việc chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân.

Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối Ngân hàng chính sách xã hội ủy thác quản lý, tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội ủy thác thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giảm dần sự hỗ trợ cho không các đối tượng chính sách, chuyển sang cơ chế hỗ trợ vốn có thu lãi với lãi suất ưu đãi nhằm nâng cao trách nhiệm của người sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.