Sóc Trăng: Dư nợ tín dụng chính sách đạt 5.171 tỷ đồng

Ngày 10/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Hội nghị.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, nguồn vốn tín dụng chính sách năm 2023 tăng 726 tỷ đồng (tăng 17,9%) so với cuối năm 2022. Từ nguồn vốn tăng trưởng đã góp phần tăng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.171 tỷ đồng, với hơn 157.000 khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 43.293 lượt hộ; giúp hơn 556 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giúp 1.409 hộ nghèo và 3.546 hộ cận nghèo, 10.513 hộ mới thoát nghèo và 3.439 hộ sản xuất kinh doanh có vốn sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 12.818 công trình nước sạch và 12.068 công trình vệ sinh, 154 hộ gia đình vay vốn xây mới, sữa chửa nhà ở từ chương trình nhà ở xã hội.

Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và trật tự, an toàn xã hội.

Tỉnh Sóc Trăng triển khai kịp thời các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2023 đã giải ngân trên 12.000 khách hàng vay vốn, với số tiền trên 600 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch.

Sóc Trăng: Dư nợ tín dụng chính sách đạt 5.171 tỷ đồng ảnh 1

Khen thưởng các đơn vị đạt thành tích xuất sắc công tác chính sách tín dụng năm 2023.

Đặc biệt là thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 48 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất kinh doanh. Đây là chính sách mới trong năm 2023, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, vượt qua mặc cảm, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Việc lồng ghép cho vay các từ các chương trình mục tiêu quốc gia, gắn với chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng nhu cầu vay vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách... Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Năm 2023, toàn tỉnh giảm còn 8.521 hộ nghèo, tương đương giảm 2%; hộ cận nghèo giảm 21.815 hộ so với năm 2022.

Hội nghị đã tập trung thảo luận thực hiện 9 nhóm giải pháp công tác chính sách tín dụng xã hội năm 2024 nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu - Trưởng Ban Đại diện đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư; Nghị định số 78 của Chính phủ để giảm tối thiểu 10% nợ xấu trong năm 2024; thực hiện đạt 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng được Trung ương giao, giải ngân bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Các chương trình tín dụng chính sách gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, thiết thực.