Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển hơn 100 nghìn lao động, riêng quý I cần khoảng 20 nghìn người.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhiều lao động như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty TNHH Luxshare - ICT, Công ty TNHH New wing Interconnect technology, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam, Công ty TNHH Seojin Việt Nam, Công ty TNHH Ce Link Việt Nam...
Hiện tỉnh có hơn 7.600 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 468 đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đang tạo việc làm cho hơn 306 nghìn lao động với khoảng 80% là người trong tỉnh. Số lao động làm việc tại các khu công nghiệp là hơn 190 nghìn người.
Hiện các doanh nghiệp đều đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút người lao động, tuy nhiên việc tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển dụng lớn song số lượng người tham gia ứng tuyển rất thấp, khiến các doanh nghiệp không thể tuyển được đủ người lao động như mong muốn.
Đại diện Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải cho biết, năm nay, tại Bắc Giang, tập đoàn cần tuyển khoảng 27 nghìn lao động, riêng quý I cần tuyển hơn 6/000 người.
Đơn vị đã thực hiện chuyển đổi số trong tuyên truyền, sử dụng mạng xã hội; phối hợp với ngành chức năng trong tỉnh và các tỉnh lân cận để thông tin, tuyển dụng; có cơ chế khuyến khích người lao động tại công ty tham gia giới thiệu việc làm. Tuy vậy, số lao động tuyển được hằng ngày chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu đề ra.
Đại diện Công ty TNHH New wing Interconnect Technology cho biết, trong tháng 2 và tháng 3, công ty cần tuyển hơn 6.000 lao động. Công ty đã xây dựng cơ sở tuyển dụng tại các tỉnh; phối hợp với trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh để tuyển lao động, song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Một số doanh nghiệp nêu khó khăn trong bố trí ký túc xá, việc xác nhận hồ sơ, lý lịch cho người lao động... Qua đó mong muốn các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Thực tế hiện nay, số lao động trong tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu, cho nên các doanh nghiệp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang có giải pháp để thu hút người tỉnh ngoài đến làm việc.
Trao đổi tại đây, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị cung ứng nhân lực nêu một số rào cản khiến kết quả tuyển dụng còn hạn chế.
Đó là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển số lượng lao động lớn thường cùng vào thời gian đầu năm và giữa năm dẫn đến nguồn cung ứng chưa kịp thời.
Mặt khác, nhận thức, tác phong công nghiệp của một bộ phận lao động ngoại tỉnh còn hạn chế, thiếu tính ổn định.
Sau Tết, nhiều lao động về quê, chưa muốn đi làm lại. Lao động ngoại tỉnh khó khăn trong việc tìm nhà trọ. Xe đưa đón lao động nội tỉnh đi làm chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Doanh nghiệp còn yêu cầu thủ tục tuyển dụng phức tạp, một số đơn vị chưa thực sự quan tâm tạo môi trường làm việc thuận lợi cho lao động.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang khẳng định, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, đơn vị quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động.
Tỉnh giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sớm xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này, trong đó cần nêu rõ giải pháp trong tuyên truyền, thông tin đến người lao động; phối hợp, kết nối với các đơn vị chức năng các tỉnh trong cả nước để tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút lao động về Bắc Giang làm việc.
Quan tâm tuyển dụng lực lượng bộ đội sau khi xuất ngũ; khuyến khích các trường nghề đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng cho học sinh, sinh viên.
Ban quản lý các khu công nghiệp thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần phối hợp tốt với đơn vị cung ứng nhân lực để thông tin nhu cầu, điều kiện tuyển dụng; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm hồ sơ, giấy tờ trong tuyển dụng, đồng thời tiếp tục cải tiến, thực hiện chế độ đãi ngộ hợp lý, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút và giúp người lao động gắn bó lâu dài.