Bắc Giang khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp

Tỉnh Bắc Giang đang tạo ra những dư địa mới, giá trị gia tăng cao và tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật.
0:00 / 0:00
0:00
Vải thiều Lục Ngạn, một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của Bắc Giang. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Vải thiều Lục Ngạn, một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của Bắc Giang. (Ảnh THÀNH ĐẠT)

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thanh Bình cho biết, Bắc Giang là một trong những tỉnh sớm ban hành kế hoạch “mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Sau 5 năm triển khai chương trình, đến nay Bắc Giang thuộc top đầu các địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng thời là dư địa lớn để thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, số lượng sản phẩm OCOP dù nhiều nhưng số lượng sản phẩm 4 sao trở lên còn ít, có ít sản phẩm được chế biến sâu...

Ông Nguyễn Thái Trường, Phó Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, về số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh tính đến tháng 10/2023 là 255 sản phẩm, gồm: 31 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 224 sản phẩm OCOP 3 sao; trong đó có 140 sản phẩm OCOP của các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã... có thời gian thành lập mới trong một năm trở lại đây, điều đó cho thấy tinh thần khởi nghiệp trong Chương trình OCOP là rất cao. Hiện nay, toàn bộ 10/10 huyện, thành phố đều có sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới. Huyện có nhiều sản phẩm nhất là Lục Ngạn với 40 sản phẩm, thấp nhất là huyện Sơn Động với 7 sản phẩm.

Các sản phẩm được công nhận OCOP cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề, làng nghề truyền thống, như: Mỳ Chũ, mỳ Châu Sơn, rượu Vân, bún Đa Mai, gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức, đông trùng hạ thảo... Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như: ISO 22000, HACCP, VietGAP, Global GAP,... Một số sản phẩm OCOP thế mạnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp.

Một số chuyên gia nhận định, việc các doanh nghiệp quan tâm phát triển sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một hướng đi đúng đắn, bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm an toàn phục vụ dân sinh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, muốn phát triển thì cần thay đổi và tập trung vào một số hướng, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu thế sản xuất tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng thành công các mô hình sản xuất được chứng nhận, tập trung vào các mô hình trồng trọt và mô hình chăn nuôi. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các mô hình, đề án như: Vải, bưởi, cá, lúa, gà mía lai, ong... theo hướng hữu cơ. Mặt khác, phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động thúc đẩy, khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp khu vực nông nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang đang tập trung triển khai một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, truyền cảm hứng khởi nghiệp, trong đó chú trọng truyền thông trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp và lồng ghép chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vào các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh như nông nghiệp và du lịch; tổ chức cuộc thi tuyển chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi; tuyên truyền, hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Đồng thời tỉnh cũng kết nối nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi từ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...

Theo ông Lương Văn Thường, chuyên gia của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Bắc Giang đã có những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả; góp phần để các đơn vị chuyên môn tham mưu, đưa ra những định hướng chính, giúp các sản phẩm OCOP phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng gắn với mỗi địa phương, mỗi làng nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, giúp nông dân làm giàu trên quê hương mình.

Thời gian tới, Bắc Giang cần xây dựng hệ sinh thái mở hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững và bảo tồn văn hóa với phương pháp tiếp cận giao dịch theo phương pháp đồng tiền thông minh (SMC); phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp-du lịch; phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; qua đó hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp mới.