Ba Lan, Slovakia khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới

Ba Lan và Slovakia ngày 26/8 đã tổ chức lễ khánh thành hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới nối 2 quốc gia trước sự chứng kiến của Thủ tướng 2 nước.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm trung chuyển khí đốt tại Rembelszczyzna, Ba Lan. (Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN)
Trạm trung chuyển khí đốt tại Rembelszczyzna, Ba Lan. (Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN)

Hệ thống đường ống mới sẽ cho phép đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Cụ thể, giá khí đốt bán buôn trên thị trường châu Âu ngày 25/8 đã vượt mức 300 euro/MWh.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của việc giá khí đốt ngày càng tăng cao là do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Việc xây dựng hệ thống đường ống mới nói trên, với tổng chiều dài 164km và do Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tài chính, được khởi công từ năm 2018 và ban đầu được dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2021.

Đây là hệ thống đường ống dẫn khí đốt 2 chiều Ba Lan-Slovakia và ngược lại, với 1 đầu tại đông nam Ba Lan và đầu còn lại là trạm nén Velke Kapusany tại đông Slovakia, là nơi đường ống trung chuyển khí đốt từ Ukraine tới Tây Âu.

Công suất của hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới này ở nhiệt độ 20 độ C đạt 5,1 tỷ mét khối khí/năm theo chiều từ Ba Lan tới Slovakia, và 6,1 tỷ mét khối nguyên liệu thô/năm theo chiều ngược lại.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki bày tỏ vui mừng vì dự án đầu tư đặc biệt này đã hoàn thành, đồng thời khẳng định đây là "đường ống dẫn khí mang tính chiến lược".

Về phần mình, người đứng đầu chính phủ Slovakia Eduard Heger nhấn mạnh, đường ống dẫn khí đốt mới có công suất gần như sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ khí đốt hàng năm của Slovakia, đồng thời có thể thay thế cho nguồn cung nguyên liệu thô từ Nga.

Theo ông Heger, hệ thống này sẽ mở ra con đường nhập khẩu mới cho khí đốt của Na Uy đến Slovakia, đồng thời Slovakia cũng có thể tiếp cận nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các cảng của Ba Lan.

Slovakia trước đây chủ yếu mua khí đốt của Nga. Tuy nhiên, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Bratislava đã công bố kế hoạch giảm phụ thuộc vào Nga do Moskva cắt nguồn cung khí đốt cho Slovakia kể từ mùa xuân vừa qua.

Trong khi đó, Na Uy - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu hiện nay, sẽ bắt đầu giảm xuất khẩu khí đốt vào tháng tới để bảo dưỡng định kỳ hệ thống, mà một số công đoạn trước đó đã bị trì hoãn từ đầu năm nay để bảo đảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu thay thế Nga.

Theo dữ liệu của hãng điều hành vận chuyển xăng dầu Gassco của Na Uy, công tác bảo trì và bảo dưỡng này sẽ làm giảm công suất tại 13 mỏ và các nhà máy sản xuất khí đốt của Na Uy trong tháng 9, đỉnh điểm vào ngày 7/9 có thể giảm tới 154,68 triệu mét khối khí.

Ngoài ra, công tác bảo dưỡng tại đầu ra ở châu Âu và Anh cũng ảnh hưởng đến lượng khí đốt vận chuyển của Na Uy qua tuyến vận chuyển này.

Theo dự báo của Gassco, công tác bảo dưỡng, bảo trì hệ thống vận chuyển khí đốt của Na Uy sẽ làm giảm sản lượng khí đốt của nước này, dự báo xuống 323,9 mét khối khí/ngày - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

Trong khi đó, hoạt động vận chuyển dầu khí của Nga qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 trên biển Baltic đến Đức sẽ giảm còn 0 vào tuần tới, khi đường ống này bắt đầu bảo dưỡng trong 3 ngày từ ngày 31/8.

Ngày 25/8, hợp đồng khí đốt chuẩn châu Âu được giao dịch đến 330 euro (330 USD)/MWh - cao nhất kể từ ngày 7/3.