Khủng hoảng khí đốt đẩy công ty năng lượng lớn nhất Đức đến bờ vực phá sản

NDO - Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất Đức, vừa báo cáo khoản lỗ lên tới 12,3 tỷ euro (12,5 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2022, do ảnh hưởng từ việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, đẩy một trong những công ty năng lượng lớn nhất châu Âu đến bờ vực phá sản.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân vận hành máy móc tại 1 cơ sở lưu trữ khí đốt của Uniper ở Bavaria, Đức. (Ảnh: Reuters)
Công nhân vận hành máy móc tại 1 cơ sở lưu trữ khí đốt của Uniper ở Bavaria, Đức. (Ảnh: Reuters)

Được xem là “nạn nhân” lớn nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu cho đến nay, khoản lỗ của Uniper là một trong những mức thua lỗ lớn nhất mà 1 công ty Đức đã phải gánh chịu, vượt qua khoản lỗ kỷ lục 10,5 tỷ euro của công ty Bayer vào năm 2020.

Giám đốc điều hành Uniper, ông Klaus-Dieter Maubach cho biết, cuộc khủng hoảng nguồn cung cấp khí đốt khiến việc dự báo hoạt động của công ty trong nửa cuối năm là “gần như không thể”.

Ông Maubach cũng cảnh báo, châu Âu đang phải đối mặt với viễn cảnh thiếu năng lượng trong mùa đông này, đồng thời cho biết thêm rằng giá khí đốt tăng cao vì lo ngại về độ tin cậy của nguồn cung năng lượng.

Hồi tháng trước, Uniper đã nhận được khoản cứu trợ 15 tỷ euro từ Chính phủ Đức. Nhà nhập khẩu khí đốt từ Nga lớn nhất châu Âu dự kiến sẽ bán 30% cổ phần và xúc tiến các khoản vay để ngăn nguy cơ phá sản.

Giá cổ phiếu của Uniper đã mất hơn 81% giá trị trong năm nay, kéo giá trị vốn hóa thị trường của công ty này xuống 2,8 tỷ euro.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Uniper đã thu hẹp đáng kể từ tháng 6, do nguồn cung khí đốt từ Nga đã sụt giảm tới 80%, buộc công ty này phải tìm đến các nguồn cung khác trên thị trường giao ngay với giá đắt đỏ để đáp ứng các hợp đồng với khách hàng ở Đức, bao gồm 100 công ty năng lượng thuộc quản lý của các địa phương ở nước này.

Từ tháng 10 tới, Uniper có thể phải chuyển tới 90% mức chi phí đắt đỏ này vào hóa đơn của người tiêu dùng. Công ty này dự báo sẽ tiếp tục lỗ trong 18 tháng tới nhưng hy vọng có thể thoát khỏi “vùng thua lỗ” vào năm 2024.

Theo đại diện Uniper, kể từ khi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga thông qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương bắc 1 bắt đầu giảm vào giữa tháng 6, công ty đã phải chịu thiệt hại trung bình mỗi ngày lên tới 60 triệu euro.

Bên cạnh đó, Uniper cũng bị thiệt hại 2,7 tỷ euro góp cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc 2, cùng khoản lỗ 4,9 tỷ euro trên thị trường phái sinh.

Trong 12 tháng qua, giá khí đốt ở Đức đã tăng hơn 5 lần lên 200 euro/MWh. Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Đức đã mua 55% khí đốt từ Nga. Hiện nước này đang nỗ lực để bảo đảm đủ năng lượng cho mùa đông sắp tới.

Bất chấp việc thiếu nguồn cung từ Nga, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đang được lấp đầy với công suất hiện tại là 77,3%, phù hợp với kế hoạch của chính phủ. Đức đặt mục tiêu đưa mức này lên 95% vào tháng 11 tới.