Theo đuổi chính sách kinh tế tự do, Tổng thống Milei khẳng định ưu tiên số một của Chính phủ Argentina là loại bỏ hoàn toàn thâm hụt ngân sách. Theo Tổng thống Milei, suốt 13 năm qua, Argentina luôn trong tình trạng thâm hụt ngân sách và trong năm 2023 con số này lên tới 15% GDP.
Siết chặt kỷ luật tài chính, chính phủ hy vọng đưa thâm hụt ngân sách về mức 0% vào cuối năm 2025. Ông Milei nhấn mạnh, chính phủ sẽ cắt giảm 60 tỷ USD ngân sách năm 2025 dành cho các tỉnh, nhằm giảm chi tiêu công xuống mức tương đương 25% GDP. Ông dự báo kinh tế Argentina sẽ đạt mức tăng trưởng 5% và lạm phát giảm xuống quanh mức 18% vào năm 2025.
Bối cảnh ảm đạm
Chính sách mà Tổng thống Milei theo đuổi được đưa ra trong bối cảnh Argentina phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài. Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nghiêm ngặt nhằm cắt giảm thâm hụt tài chính đã ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng, đồng thời làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp. Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) dự báo, GDP của nước này sẽ giảm 3,8% trong năm nay.
Viện thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (Indec) cho biết, sản lượng kinh tế trong quý II vừa qua giảm 1,7% so với mức ba tháng đầu năm 2024 và cũng giảm tỷ lệ tương tự so mức cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm 2024, GDP của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latin giảm 3,4%, tiếp đà suy thoái với mức giảm 1,6% của năm 2023.
Quý II/2024 là quý thứ 5 liên tiếp kinh tế Argentina suy giảm và điều này cho thấy quốc gia Nam Mỹ tiếp tục đà suy thoái sâu. Sự suy giảm của nền kinh tế trong quý II chủ yếu là do ngành công nghiệp tiếp tục sụt giảm 17,4% và hoạt động thương mại bán buôn, bán lẻ giảm 15,7%.
Trong khi đó, hoạt động của ngành xây dựng giảm 22,2%, cũng như dịch vụ tài chính giảm 9,8%. Kim ngạch nhập khẩu trong quý II giảm 5,5%, tiêu dùng cá nhân giảm 4,1%. Hiệp hội công nghiệp Argentina cho biết, từ đầu năm tới nay, hoạt động sản xuất công nghiệp giảm tới 12,8% và tháng 8 là tháng thứ 14 liên tiếp ngành này tiếp tục đà suy thoái.
Chính phủ Argentina biện minh việc áp dụng các chính sách chi tiêu hà khắc là cần thiết để kiểm soát lạm phát, với tỷ lệ 236,7% vào tháng 8 vừa qua và là một trong những mức cao nhất trên thế giới, cũng như củng cố dự trữ ngoại hối và giải quyết thâm hụt tài khóa dai dẳng.
Trình bày trước Quốc hội về dự thảo ngân sách năm 2025, Tổng thống Milei dự báo mức lạm phát sẽ giảm mạnh xuống mức 18% vào năm tới, với kỳ vọng GDP tăng 5% trong cả năm 2025 và 2026. Ông Milei tuyên bố sẽ phủ quyết mọi đề xuất, dự thảo và kế hoạch ảnh hưởng tới cân bằng ngân sách nhà nước, đồng thời khẳng định tiếp tục chính sách siết chặt kỷ luật tài chính.
Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm cung cấp ngân sách cho các trường đại học công lập là vô cùng khó khăn. Hệ thống đại học công lập của Argentina hiện có 50 trường, với hơn 2 triệu sinh viên, 155.000 giáo sư và 60.000 giảng viên. Trong dự thảo luật ngân sách năm 2025, Chính phủ Tổng thống Milei không ủng hộ chính sách về trách nhiệm của Nhà nước đầu tư ít nhất 6% GDP cho giáo dục công lập.
Vừa qua, phe đối lập tại Hạ viện đã không vận động được đủ 2/3 số phiếu bầu để ngăn cản Tổng thống Milei phủ quyết việc chi bổ sung số tiền tương đương 0,14% GDP từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho các trường đại học công lập. Trong khi đó, đảng Tự do tiến lên (LLA) cầm quyền, chỉ chiếm thiểu số ở Hạ viện với 38 trong 257 ghế, song với sự ủng hộ của các nhà lập pháp từ đảng Đề xuất Cộng hòa (PRO) trung hữu của cựu Tổng thống Mauricio Macri, đã bảo toàn quyền phủ quyết của Tổng thống.
Trước đó, tháng 9 vừa qua, Hạ viện Argentina cũng đã thông qua quyền phủ quyết của Tổng thống, theo đó không cho phép tăng lương hưu hằng tháng trong bối cảnh quốc gia này luôn phải đối diện với tình trạng lạm phát ở mức cao. Chính phủ Argentina cho rằng, không thể thực hiện cải cách lương hưu, bởi chính sách này khiến ngân sách nhà nước thâm hụt thêm tương đương 1,2% GDP.
Rào cản lớn
Chủ trương cắt giảm ngân sách giáo dục của Chính phủ Argentina vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Từ năm 1949, người dân Argentina được hưởng giáo dục đại học miễn phí. Theo thống kê năm 2022, chỉ có hơn 510.000 sinh viên theo học tại các trường đại học tư, trong khi có tới gần 2 triệu sinh viên học tại đại học công lập.
Những người tham gia biểu tình khẳng định việc bảo đảm giáo dục công lập và đầu tư cho khoa học là tương lai của đất nước, là mục tiêu xã hội mà bất kỳ chính phủ nào cũng cần hướng tới. Hiệu trưởng Đại học Buenos Aires (UBA) Ricardo Gelpi kêu gọi Chính phủ Argentina xem xét lại chính sách giáo dục và bảo đảm ngân sách cho hoạt động của các viện nghiên cứu khoa học thuộc UBA và các trường công lập.
Tổng thống Milei cho biết sẽ kiên quyết loại bỏ thâm hụt ngân sách chi tiêu, trong nỗ lực giải quyết tình hình kinh tế khó khăn và lạm phát phi mã trong nhiều thập niên qua tại quốc gia Nam Mỹ. Nhằm loại bỏ gánh nặng nợ công, Tổng thống Milei khẳng định sẽ không thay đổi nguyên tắc loại bỏ hoàn toàn thâm hụt tài chính, một trong những mục tiêu quan trọng trong lộ trình cải cách kinh tế của Chính phủ hiện nay. Tổng thống Milei cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước "hiện đại, hiệu quả, tinh gọn và hữu ích cho người dân, không cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân".
Theo Tổng thống Milei, để thực hiện được mục tiêu trên cần đơn giản hóa hoạt động và quy trình thủ tục thông qua việc số hóa và loại bỏ những khâu trung gian, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ông tuyên bố sẽ tăng cường minh bạch tài chính trong các tập đoàn và công ty nhà nước, cũng như trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng các nguồn đầu tư công, bên cạnh tư nhân hóa các công ty thuộc sở hữu nhà nước.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Argentina đạt mức thặng dư tài chính tương đương 0,4% GDP, trong khi tiêu dùng giảm 15%, lạm phát cao kỷ lục và một nửa dân số nghèo đói. Trong 9 tháng qua, chính phủ sa thải tới 31.000 nhân viên trong bộ máy hành chính. Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ tiếp tục vấp phải sự phản đối và là thách thức lớn trong nỗ lực đưa Argentina thoát khỏi khủng hoảng kinh tế n