Thách thức phục hồi kinh tế Argentina

Bộ trưởng Kinh tế Luis Caputo khẳng định, Argentina đang dần thoát khỏi suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, những số liệu thống kê vừa được Viện Thống kê và Ðiều tra quốc gia Argentina (INDEC) công bố mới đây khiến nhiều chuyên gia phân tích thị trường tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố của ông Caputo, khi mà sản xuất công nghiệp của nước này thời gian qua tiếp tục tụt dốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, con đường phía trước của Argentina vẫn còn nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm ở một cửa hàng bán quần áo cũ tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. (Ảnh: Reuters)
Người dân mua sắm ở một cửa hàng bán quần áo cũ tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Latam lần thứ 10 ở thủ đô Buenos Aires, Bộ trưởng Kinh tế Argnetina Caputo cho biết, điều tồi tệ nhất đã qua và nền kinh tế Argentina đang trong quá trình phục hồi.

Ông đánh giá cao các chính sách điều chỉnh chi tiêu công do Chính phủ của Tổng thống Javier Milei triển khai nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách và từng bước đẩy lùi lạm phát.

Người đứng đầu Bộ Kinh tế Argentina cho biết, chính phủ sẽ tiếp tục bảo đảm trật tự kinh tế vĩ mô, đồng thời yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Tổng thống Argentina Javier Milei nhấn mạnh sẽ bảo vệ chính sách cân bằng tài khóa bằng mọi giá, đồng thời cảnh báo ông sẽ phủ quyết dự thảo công thức tính lương hưu mới vừa được Hạ viện Argentina phê chuẩn.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Milei ban hành nghị định quy định mức tăng lương hưu trong giai đoạn từ tháng 4-6/2024 là 12,5%, tương ứng diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Argentina trong tháng 3.

Trong khi đó, dự thảo công thức tính lương hưu mới được các nhà lập pháp Argentina bỏ phiếu thông qua quy định mức tăng lương hưu sẽ là 20,6%, tương đương tăng lạm phát trong tháng 1/2024.

Argentina đang trải qua giai đoạn kinh tế suy thoái mạnh. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2024 sẽ suy giảm khoảng 2,8%, cộng thêm tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới.

Các biện pháp cải cách của chính phủ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn và xã hội, cũng như phe đối lập, vì họ cho rằng các chính sách có thể sẽ làm tổn hại người nghèo và người lao động, trong khi phục vụ lợi ích các công ty và tầng lớp giàu.

Mới đây, Tổng liên đoàn lao động Argentina (CGT), tổ chức công đoàn lớn nhất Argentina, phát động một cuộc biểu tình vào ngày 12/6 tới để phản đối Thượng viện tiến hành bỏ phiếu về dự luật Cơ sở do chính phủ đệ trình nhằm thúc đẩy các cải cách kinh tế.

Theo Phó Tổng Thư ký CGT Pablo Moyano, các chính sách cải cách trong văn bản này sẽ hủy hoại nền công nghiệp và ngành vận tải của quốc gia Nam Mỹ.

Trước những chính sách của Chính phủ Argentina có thể gây ảnh hưởng cuộc sống của người nghèo, IMF nhấn mạnh Argentina cần nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, đồng thời đẩy mạnh bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong xã hội trước các chính sách cải cách mang tính "thắt lưng buộc bụng".

Người phát ngôn IMF Julie Kozack khẳng định, IMF đang theo dõi chặt chẽ "tình hình xã hội mong manh" tại Argentina và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường trợ giúp xã hội để hỗ trợ người nghèo.

Theo một nghiên cứu được công bố mới đây; 24,9 triệu người tại quốc gia Nam Mỹ này, tương đương 55,5% dân số, đang sống trong cảnh đói nghèo trong quý I/2024. Trong khi đó, khoảng 7,8 triệu người Argentina, tương đương 17,5% dân số, đang ở trong tình trạng nghèo khổ cùng cực. Có tới 20,6% tổng số gia đình với 11 triệu nhân khẩu đang bị thiếu ăn.

Lạm phát, nhất là việc giá thực phẩm tăng vọt kể từ đầu năm 2024 đến nay, đã ảnh hưởng mạnh đến các tầng lớp thấp nhất trong xã hội Argentina.

Việc Chính phủ của Tổng thống Javier Milei quyết định phá giá tới 50% giá trị đồng peso và tình trạng tăng giá nằm ngoài tầm kiểm soát của các sản phẩm trong giỏ hàng hóa thiết yếu đã làm suy giảm đáng kể sức mua ở tầng lớp trung lưu, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Các công ty tư vấn tài chính tại Argentina dự báo lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này trong tháng 5/2024 sẽ tăng ở mức từ 4,4-4,9%, giảm mạnh so với mức tăng 8,8% ghi nhận trong tháng trước đó.

Tuy đà tăng CPI có xu hướng hạ nhiệt, song Argentina vẫn là quốc gia có mức lạm phát cao nhất khu vực Mỹ Latin, xếp trên Venezuela với mức lạm phát dự kiến trong tháng 5/2024 là 3,9%.

Trong khi đó, INDEC cho biết, sản xuất công nghiệp tại Argentina ghi nhận mức sụt giảm tháng thứ 11 liên tiếp, ở mức 16,6% trong tháng 4/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong bốn tháng đầu năm nay, sản lượng công nghiệp tại quốc gia Nam Mỹ đã giảm 15,4% so cùng kỳ năm 2023.

Các công ty tài chính được Ngân hàng Trung ương Argentina tham vấn ước tính, nền kinh tế nước này sẽ tiếp tục suy thoái trong năm nay, với mức suy giảm 3,5%. Năm ngoái, GDP của Argentina đã sụt giảm 1,9%.

Bất chấp việc nhiều tầng lớp trong xã hội ngày càng tỏ ra bất mãn với chính sách "thắt lưng buộc bụng", Tổng thống Milei khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện thắt chặt chi tiêu và bảo vệ chính sách cân bằng tài khóa bằng mọi giá.

Mặc dù những biện pháp này giúp Chính phủ Argentina phần nào giảm tình trạng thâm hụt ngân sách, song lại khiến đời sống của người dân lao động trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát tăng cao, khiến sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latin vẫn hết sức khó khăn.