Áp lực gia tăng với y tế toàn cầu

Báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới đây cho biết, khủng hoảng khí hậu đang gây ra những áp lực lớn chưa từng có với hệ thống y tế toàn cầu. Các dịch bệnh bùng phát liên tục như hiện nay đặt ra nhu cầu cấp thiết không chỉ về củng cố hệ thống y tế tại các nước, mà còn tăng cường đoàn kết quốc tế nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Một bác sĩ nhi khoa khám cho bệnh nhi bị nhiễm trùng đường hô hấp ở Armenia. (Ảnh: WHO)
Một bác sĩ nhi khoa khám cho bệnh nhi bị nhiễm trùng đường hô hấp ở Armenia. (Ảnh: WHO)

Báo cáo Đếm ngược về sức khỏe và biến đổi khí hậu của Tạp chí Y khoa The Lancet năm 2023 mới được WHO công bố nêu rõ, biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao.

Kể từ năm 1982, sự nóng lên của đại dương đã tạo điều kiện cho vi khuẩn tả biển lây lan dọc bờ biển, khiến 1,4 tỷ người có nguy cơ bị tiêu chảy, nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng và nhiễm trùng máu. Tình trạng biến đổi khí hậu còn cản trở nỗ lực giải quyết các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao. Cụ thể, những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán… buộc các cộng đồng phải di dời, gây lây lan bệnh truyền nhiễm và làm cản trở hoạt động chữa trị.

Kể từ năm 1982, sự nóng lên của đại dương đã tạo điều kiện cho vi khuẩn tả biển lây lan dọc bờ biển, khiến 1,4 tỷ người có nguy cơ bị tiêu chảy, nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng và nhiễm trùng máu.

Nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến nhiều ca tử vong thời gian qua.

Tác động của nắng nóng với sức khỏe con người sẽ là chủ đề được trao đổi tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sắp tới. Đây là lần đầu vấn đề này được mang ra bàn thảo trong khuôn khổ hội nghị khí hậu nêu trên, phản ánh sự cấp bách của việc ngăn chặn mối đe dọa y tế này.

Theo nghiên cứu của The Lancet, trong thập kỷ qua, số người chết do nhiệt độ cao ở nhóm người hơn 65 tuổi tăng 85% so với thập kỷ từ năm 1991 đến 2000.

Sau một thời gian dài chống chọi với dịch Covid-19, ngành y tế của nhiều quốc gia rơi vào cảnh kiệt quệ. Dù dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, nhưng nguy cơ làn sóng dịch mới bùng phát vẫn luôn rình rập. Đặc biệt, những hệ lụy dai dẳng, nặng nề của Covid-19 tiếp tục cản trở người dân quay lại với nhịp sống bình thường, trong đó nổi bật là “hội chứng Covid” kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động trong ngành y tế, bên cạnh các yếu tố như công việc áp lực, lương thấp, môi trường làm việc không an toàn...

Theo nghiên cứu của The Lancet, trong thập kỷ qua, số người chết do nhiệt độ cao ở nhóm người hơn 65 tuổi tăng 85% so với thập kỷ từ năm 1991 đến 2000.

Trong bối cảnh đợt dịch tả bùng phát mới đây ở Zimbabwe với hơn 7.000 trường hợp nghi mắc bệnh, các nhà chức trách nhận định, việc thiếu nhân viên y tế cũng như thiếu nguồn lực để ngăn chặn sự lây truyền bệnh khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Bức tranh nhân lực y tế ở các quốc gia phát triển tại châu Âu cũng phủ gam màu u ám. Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) ước tính thiếu đến 571.000 nhân viên y tế vào năm 2036. Đức cũng đối mặt tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng, với gần 5.000 vị trí đang bị bỏ trống. Trên thực tế, hệ thống y tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi và đủ sức chống chọi với rủi ro nếu thiếu những nhân viên y tế tâm huyết, tài năng.

Tương tự cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tài chính cũng là một vấn đề nan giải với các nước trong cuộc đương đầu với thách thức y tế. WHO ước tính, cần có thêm 200 đến 328 tỷ USD đầu tư mỗi năm để tăng cường, mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, giúp các hệ thống y tế đáp ứng tới 90% các dịch vụ y tế thiết yếu, cứu sống ít nhất 60 triệu người vào năm 2030.

Theo báo cáo của WHO và Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến năm 2021, vẫn còn 4,5 tỷ người chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu.

Những mối đe dọa y tế trong tương lai có thể xảy ra với tổn thất lớn, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cộng đồng không kém gì đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu trầm trọng kéo theo sự gia tăng bùng phát dịch bệnh. Trước những thách thức cũ, mới đan xen, các nước cần tiếp tục phối hợp hành động, xây dựng chiến lược giúp ngành y tế tăng cường khả năng dự báo và chống chịu tốt hơn trước các cú sốc.