Dịch bệnh gia tăng, cuộc sống người dân xáo trộn
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, nhiều mưa, độ ẩm cao thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Tới các cơ sở y tế, đặc biệt là khu truyền nhiễm, thấy rõ tình trạng bệnh nhân đang quá tải. Hầu hết các giường bệnh đều chật kín, bố trí đặt thêm dọc hành lang lối đi lại, bệnh nhân nằm hai người một giường, tráo chiều nhau.
Ở Bệnh viện K cơ sở I (Hà Nội) hết giường, nhiều bệnh nhân phải ngồi ghế truyền thuốc. Chị N.T.H, 32 tuổi, ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) nhập viện để mổ u xơ tử cung. Vừa mổ hôm trước thì hôm sau mắt chị bị sưng húp, bác sĩ kết luận chị H bị viêm kết mạc cấp do nhiễm virus. Thay bằng nằm viện tiêm kháng sinh, theo dõi vết mổ và thay băng hằng ngày, chị H được bác sĩ kê đơn thuốc, dặn dò rồi ký giấy xuất viện ngay trong ngày hôm đó. Mọi người trong phòng bệnh dù ái ngại với hoàn cảnh của chị H nhưng cũng đồng tình với phương án xuất viện, để tránh lây nhiễm cho những người chung quanh. Họ an ủi vợ chồng chị H, rằng trường hợp chị vẫn là... may vì ít ra vẫn còn được việc. Có cháu bé đi du học, sửa soạn mọi việc xong xuôi chỉ đợi giờ lên máy bay thì bỗng dưng lên cơn sốt cao, xét nghiệm máu kết luận sốt xuất huyết Dengue. Kế hoạch bay bị phá sản vào giờ chót, chưa kể thiệt hại tiền của, lịch nhập học cũng bị ảnh hưởng...
Sốt xuất huyết Dengue hiện nay vẫn đang là một trong những vấn đề y tế công cộng đáng lo ngại, với số ca mắc từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn mỗi năm. Ngày 6/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai đợt cao điểm về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn năm 2023. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên, giới chuyên môn dự báo thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp và số ca nhiễm vẫn còn tiếp tục tăng.
Người dân sau khoảng thời gian ngột ngạt với Covid-19 đã có biểu hiện lơ là chủ quan, hoặc phòng chống không đúng cách, dẫn đến hiệu quả phòng dịch kém hiệu quả.
Ở Bệnh viện Nhiệt đới, nhiều người đến khám than phiền, đã cảnh giác cao độ mà không hiểu sao người nhà vẫn lây nhiễm bệnh. Chị T.N.H là kỹ sư hóa mới đi làm được vài năm thuê nhà sống một mình ở Hà Nội bị sốt xuất huyết Dengue, mẹ chị đang công tác ở quê phải xin nghỉ phép để ra chăm con, mặc dù công việc đang rất bề bộn. Mẹ chị H than phiền, đến nhà con gái ở thuê, thấy trang bị khá đầy đủ, nào nước rửa tay, khẩu trang, kính, thuốc xịt muỗi..., duy chỉ có việc mắc màn đi ngủ thì không, vì chủ quan nhà ở tầng cao.
Công tác tuyên truyền của chính quyền cơ sở về phòng chống dịch bệnh chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Người dân chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch, hoặc chấp hành nửa vời... đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh khó kiểm soát, ảnh hưởng đến cuộc sống. Thí dụ, sốt xuất huyết Dengue bị lây do muỗi vằn, trong khi cúm A/H1N1 và Covid-19 lây truyền qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn và bệnh tay chân miệng lại lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Bệnh đậu mùa khỉ cơ chế lây truyền gần giống tay chân miệng, lây qua đường tiếp xúc, chất thải người bị bệnh.
Triển khai đồng bộ các biện pháp dự phòng
Trước tình hình liên tục dịch chồng dịch đe dọa sức khỏe cộng đồng, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành nỗ lực đẩy lùi. Nhiều giải pháp cấp thiết và lâu dài đã được đề ra. Tại Hội thảo “Các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết Dengue tại Việt Nam” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định cần phải tính đến công tác dự phòng tổng thể trên các bệnh truyền nhiễm và trên các đường lây trước sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh mới. Chủ động phòng chống sẽ giảm nhẹ tác động của dịch bệnh.
Mặc dù nhiều năm nay, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, ngành y tế đã duy trì và triển khai đồng bộ công tác giám sát bệnh truyền nhiễm các tuyến từ Trung ương đến địa phương. Việc phối hợp giữa các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh cũng đã triển khai, tuy nhiên công tác phòng chống dịch vẫn còn lắm gian nan.
Tại Bệnh viện Mắt Kon Tum, số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám, điều trị gia tăng, nhất là trẻ em. |
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, một bệnh viện đa khoa cấp huyện phải có khoa truyền nhiễm. Tuy nhiên trên thực tế, còn nhiều cơ sở y tế, thậm chí cấp tỉnh, chưa đáp ứng được tiêu chí này. Chính vì vậy, việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh ở các tuyến y tế cơ sở, nhất là ở thời điểm có nhiều dịch bệnh trở nên kém hiệu quả. Tình trạng lây chéo ở bệnh viện vẫn còn diễn ra. Nhận thức và thực hành vệ sinh cá nhân phòng bệnh của người dân ở cộng đồng hiện nay có tình trạng lơ là chủ quan.
Bên cạnh các phương pháp truyền thống, nhiều cơ sở y tế đã ứng dụng khoa học, công nghệ số vào công tác phòng chống dịch bệnh. Từ tháng 10/2023, dự án “Xây dựng công cụ dự báo thân thiện với người dùng trong phòng, chống sốt xuất huyết Dengue ở Việt Nam” chính thức được triển khai tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu vực dân cư có chỉ số lây nhiễm cao nhất, không chỉ sốt xuất huyết Dengue. Tình trạng dịch bệnh đã gây áp lực và gánh nặng cho hệ thống y tế và tổn hại đến kinh tế người dân trong nhiều năm nay.
Để thu về các con số cụ thể từng khu vực, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm về tình hình dịch bệnh, Dự án này đã hoàn thiện việc xây dựng phần mềm tích hợp trên điện thoại, máy tính, thuận tiện cho cán bộ y tế và người dân sử dụng, giúp chủ động theo dõi tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue, từ đó có phương án phòng chống hiệu quả.
Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) là đơn vị hàng đầu trong khám, điều trị nhi khoa của cả nước. Nhiều năm nay, để ứng phó với tình trạng nhiễm chéo, bệnh viện đã lắp đặt hệ thống giám sát các ca bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện. Các thông số thu nhận được từ hệ thống giám sát giúp cơ sở y tế cập nhật các con số hằng ngày, thông tin dịch tễ, lâm sàng của bệnh nhân đến khám và điều trị. Nhờ đó, bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, quản lý ca bệnh, dự phòng lây nhiễm... Các phòng điều trị ở khoa truyền nhiễm của bệnh viện này cũng đã được thiết lập theo đúng quy định phòng cách ly các ca bệnh lây theo giọt bắn và tiếp xúc. Nhân viên y tế cũng như bệnh nhân và người nhà được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng chống dịch bệnh. Bệnh nhân và người nhà được tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe để phòng bệnh và hạn chế lây lan trong bệnh viện.