Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường lại về với sông Hương

Tôi còn nhớ, tháng 2 năm 1971, đơn vị hành quân trên đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn, một đêm, đã nằm võng nhưng chưa ngủ, tôi nghe người bạn bên cạnh mở radio, chương trình “Tiếng thơ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ ngâm bài thơ “Tôi đi trên những con đường rừng cũ” của Hoàng Phủ Ngọc Tường (ảnh). Tôi nhớ nhất hai câu thơ: Đồng chí nào chia tay nơi đây?/Ngã ba rừng hoang lá đầy...
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. (Ảnh tư liệu)
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. (Ảnh tư liệu)

Thì chúng tôi đang nằm ngay bên cạnh một “Ngã ba rừng hoang lá đầy” trên dãy Trường Sơn. Bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ khiến tôi xúc động, mà còn cho tôi một mơ ước: “Bao giờ có bài thơ của mình được chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc như của Hoàng Phủ Ngọc Tường, để cha mẹ mình ở Hà Nội được nghe, đỡ nhớ con đang trên đường Trường Sơn vào chiến trường”.

Đó là lần đầu tiên tôi “gặp” Hoàng Phủ Ngọc Tường qua một bài thơ của anh mà tôi rất thích.

Sau hòa bình, những năm gian khổ thời bao cấp, tôi chơi khá thân thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hồi ấy anh Sơn đang ở căn hộ gần cầu Kho Rèn ở Huế, nơi sau này vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ ở. Đó là địa chỉ mà mỗi lần ra Huế tôi đều tới thăm chơi, và uống rượu, trước với anh Sơn, sau với vợ chồng Tường-Dạ.

Ngày ấy tuy rất khổ mà lại vui. Anh em văn nghệ gặp nhau, cứ rượu thuốc Thiên Tường (một quán rượu nổi tiếng ở Huế thời đó) lai rai với chút ít nem Huế, thế là chuyện nở như… ngô rang. Tôi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẫn gọi anh Tường là “ông chuyên nhậu với món… nói”, vì anh Tường mỗi khi ngồi cùng bạn bè trong cuộc rượu là anh nói liên tục, quên cả dùng… mồi.

Những câu chuyện tâm tình trong cuộc nhậu vui với bạn bè là những chuyện rất bao đồng, nhưng lại đầy những kiến thức, những trải nghiệm của một “cây bút ký” tầm cỡ như Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Kiến văn của anh Tường thật rộng và có những độ sâu thật bất ngờ. Có những lần, trải chiếu uống rượu, say la đà, mấy anh em tôi, cả anh Tường, vừa nằm vừa trò chuyện. Có cảm giác những lúc ấy thật trong sáng, vui tươi, hồn nhiên và hơi hoang dại.

Những lần ngồi với anh Tường như vậy đều cho tôi một cảm nhận: Anh Tường là nhà văn (vốn là nhà giáo), nhưng thật hồn nhiên và ngây thơ. Người như thế mà viết bút ký, tùy bút hay cũng là chuyện bình thường.

Những năm khó khăn ấy, những tác phẩm để đời của Hoàng Phủ Ngọc Tường cứ lần lượt ra đời, và được người đọc cũng như các nhà văn lớn đánh giá rất cao. Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét: “Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”.

Tôi là người làm thơ, nhưng rất thích những bút ký của anh Tường, những bút ký hòa trộn chất tùy bút với những kiến văn sâu sắc, những cảm xúc mở cho người đọc nhiều hướng để nhớ và để nghĩ. Có thể gọi tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác phẩm hòa trộn thể loại, cả bút ký và tùy bút, cả những câu chuyện về lịch sử với những câu chuyện về địa lý qua bộ lọc tinh tế của nhà văn. Sông Hương mà Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu bằng tất cả tâm hồn và trải nghiệm sống của mình đã hiện lên qua thiên bút ký-tùy bút này như một dòng sông chảy vĩnh cửu trong lòng và trong đời của mỗi người dân Huế.

Tôi chợt nhớ, có một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tặng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhắc kỷ niệm giữa hai người bạn kháng chiến, và giữa họ vẫn là “nguồn sông Hương”: Bạn ơi, bạn có nhớ/Một ngày mưa thác đổ/Cùng đi hái rau rừng/Dìu nhau trong cơn đói/Hai đứa mình mết mê/Bỗng sững sờ bạn nói:/-Đây là nguồn sông Hương?/... Và chúng mình đã sống/Với ngọt chát rau rừng/Và chúng mình chiến đấu/Nơi bắt đầu dòng sông... (Bạn ơi, bạn có nhớ).

Một nhà văn hồn nhiên và sâu sắc như thế không thể chỉ giữ cho mình những điều mình nghĩ và cảm, nên không ngạc nhiên khi anh Tường thường “nhậu với món... nói” giữa bè bạn. Khát khao yêu thương dòng sông, mỗi khúc quanh, mỗi rẽ ngoặt của dòng sông ấy, mỗi cái tên trôi chảy cùng dòng nước Hương giang, làm sao Hoàng Phủ Ngọc Tường không muốn chia sẻ với bạn bè mình những cảm xúc và suy nghĩ của một người vì yêu thương mà trở thành nhà văn. Cũng vì thế, tâm hồn của anh Tường lúc trải cho văn xuôi, lúc cô đặc lại dành cho thơ. Tất cả đều hiện lên trang viết rất ngẫu hứng, rất “xuất kỳ bất ý”.

Tôi còn nhớ, sau lần bị tai biến quá nặng nề vào năm 1998, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn không nguôi mong được viết. Và người mẹ yêu thương của nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ đã giúp anh con rể của mình thỏa nguyện khi bà nhận làm “thư ký” ghi lại những câu nói của anh thành những bài viết cho các tờ báo ra số đặc biệt đầu Xuân. Sau khi bà mất, chị Mỹ Dạ lại trở thành người “thư ký” của chồng mình, và những bài báo đầy xúc cảm cùng kiến văn của anh lại tiếp tục xuất hiện trên các báo. Sáng tạo, viết đến tận cùng cuộc sống của mình, đó là khát vọng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Khi anh Hoàng Phủ Ngọc Tường trút hơi thở cuối cùng sau vợ mình-nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ-đúng 18 ngày, tôi đọc những lời thắm thiết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về chuyến trở lại quê nhà Huế cuối cùng của anh Tường: “... tro cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa về Huế để làm lễ tưởng niệm và đưa tiễn ông. Có lẽ đó là mong ước cuối cùng của đời ông. Bởi Huế là tình yêu thương của ông, Huế chứa đựng những vui buồn lớn nhất của đời ông và ông đã vinh danh Huế bằng những trang văn xuất sắc của mình”.

Xin vĩnh biệt anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, mong anh về với sông Hương dịu dàng và tha thiết của đời anh.