Những mô hình tiêu biểu
Tại huyện Thoại Sơn, đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa 31 tuyến với 118 km; xây dựng nhiều cầu bê-tông kiên cố bắc qua kênh rạch; 56 tuyến đường nông thôn được đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng mới với tổng chiều dài 136 km. Sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018, huyện Thoại Sơn triển khai xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh An Giang và trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thoại Sơn Phạm Thành Được cho biết: “Khởi điểm, Đảng bộ huyện Thoại Sơn đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Sau gần 14 năm triển khai, chương trình đã thật sự làm thay đổi bộ mặt các xã, đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần… Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hằng năm và đến nay chỉ còn 0,5%; giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha/năm…”.
Xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên. Đến nay, cầu đường thông suốt, đời sống kinh tế của bà con đã khấm khá hơn. Năm 2023, Vĩnh Trạch là một trong 2 xã đầu tiên của tỉnh An Giang trở thành xã nông thôn kiểu mẫu.
Để đạt được kết quả trên, những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách...
Nhiều hộ nông dân tích cực tham gia các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Từ đó, thu nhập bình quân của người dân trong xã đã được nâng lên, đến năm 2023 đạt 75,106 triệu đồng/người.
Trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, Thoại Sơn đã tạo ra 6 mô hình nổi bật, trong đó, đáng chú ý là các mô hình hỗ trợ giúp người nghèo, học sinh khó khăn... Hội Mái ấm tình thương huyện Thoại Sơn qua hơn 14 năm đã xây hơn 2.000 căn nhà tặng hộ nghèo. Hội có hơn 200 hội viên cùng tự nguyện đóng góp ngày công xây dựng nhà miễn phí.
Nhắc đến căn nhà được hội xây tặng, bà Lê Thị Dung, ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang cảm động: “Gia đình tôi khó khăn, thu nhập thấp, cho nên không có điều kiện dành dụm sửa sang căn nhà đã xuống cấp nói gì đến xây căn nhà mới trị giá trên cả chục triệu đồng như thế này...”.
![]() |
Đường nông thôn mới xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang được bê-tông hóa. |
Phát triển sản phẩm OCOP
Tại xã nông thôn mới Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, hai bên đường trồng nhiều hàng hoa đủ loại; hiên nhà, đường làng đều đặt thùng gom rác. Trước đây, nhiều con đường liên xã ở huyện vẫn còn cảnh đất bùn lầy lội, cầu cây (cầu gỗ), cầu sắt nhỏ hẹp thì nay đã được nhựa hóa, hoặc bê-tông hóa, bảo đảm cho xe các loại đi lại thuận tiện để vận chuyển hàng hóa.
Ông Cao Văn Minh, ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận cho biết, đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện với hơn 80% diện tích là đất nông nghiệp, chủ yếu đất trồng lúa. Thực hiện thay đổi cơ cấu cây trồng, năm 2019, ông Minh cùng nhiều nông dân ở ấp Vĩnh Hòa 1 mạnh dạn chuyển đất trồng lúa sang trồng cây sầu riêng trái vụ với tổng diện tích hơn 22 ha.
Ông Minh cùng các hộ đi học kinh nghiệm ở Tiền Giang, được cán bộ phòng nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật. Trở về, 30 nông dân trong ấp cùng thống nhất thành lập hợp tác xã trồng sầu riêng Vĩnh Hòa. Thu nhập tăng dần, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, năm 2023, ông Minh và các hộ trồng sầu riêng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh cho vườn sầu riêng.
Ông Cao Văn Minh cho biết thêm: “Sầu riêng vùng này đã có mã vùng trồng, được công nhận là sản phẩm OCOP nên chúng tôi đang hướng tới xuất khẩu và xây dựng khu sinh thái sầu riêng”.
Ấp Vĩnh Hòa 1 chỉ cách trục đường cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc vài ki-lô-mét. Tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ tác động mạnh mẽ tới vùng quê Vĩnh Nhuận.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, kết quả điều tra thu nhập hộ gia đình của 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2024 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 64,310 triệu đồng/người/năm; năm 2023 đạt 68,390 triệu đồng/người/năm; năm 2024 đạt 72,871 triệu đồng/người/năm. Riêng khu vực nông thôn (11 xã), thu nhập bình quân đầu người là 70,84 triệu đồng. Kết quả điều tra cũng cho thấy, tình hình sản xuất nông nghiệp trong 3 vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; giá các mặt hàng nông thủy sản khác ở mức ổn định nên người nông dân có thu nhập cao hơn, kéo theo sức mua hàng hóa, dịch vụ tăng lên...
Thị xã biên giới Tân Châu nằm cách trung tâm tỉnh An Giang hơn 60 km, có 14 đơn vị hành chính, gồm 5 phường và 9 xã. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đặng Văn Nê cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới của thị xã ngày càng đi vào thực chất, đời sống người dân ngày một nâng lên. Tân Châu chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương để đưa vào sản phẩm OCOP của thị xã.
Tính đến tháng 11/2024, Tân Châu có 12 sản phẩm OCOP, trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 9 sản phẩm đạt 3 sao. Ủy ban nhân dân thị xã Tân Châu yêu cầu Phòng Kinh tế lập tờ trình về các sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024 gồm 3 sản phẩm là Snack vỏ bưởi của Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Đại Hồng Tiến; mắm cá Mè Vinh của cơ sở mắm Bà Sáu và muối tôm của cơ sở sản xuất muối sấy Miền Tây Kim Giang.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh An Giang, bộ mặt nông thôn mới An Giang đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang; lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thương mại nông thôn ngày càng được tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Toàn tỉnh có 165 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu... ■