Ấm áp chương trình “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận”

NDO - Sáng 6/9, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hàng trăm cựu chiến binh nguyên là sinh viên các trường đại học ở miền bắc tham dự chương trình gặp mặt truyền thống Hội Sinh viên-Chiến sĩ 6971, nhân kỷ niệm “nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” (6/9/1971-6/9/2022).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi gặp mặt.
Quang cảnh buổi gặp mặt.

Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí thân mật với những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay xiết chặt, cái ôm ấm áp của những người lính sinh viên năm xưa.

Các cựu sinh viên chiến sĩ, thân nhân liệt sĩ đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm của tháng ngày hào hùng, bỏ lại sau lưng người thân, thầy, bạn để lên đường chống Mỹ cứu nước.

Vào đúng ngày này cách đây 51 năm, 14 trường đại học trên khắp miền bắc vang lên tiếng trống, nhưng đó không phải hồi trống khai trường, mở đầu năm học mới mà là tiếng trống trận, tiếng trống lệnh ra quân của hàng nghìn sinh viên gác bút nghiên ra tiền tuyến.

Hướng ứng lệnh tổng động viên, 4.000 sinh viên đã lên đường, tỏa về các lực lượng binh chủng phòng không, tăng thiết giáp, công binh, pháo binh, thông tin liên lạc… nhằm tăng thêm sức mạnh trí tuệ cho các đơn vị.

Bất chấp hiểm nguy, những người lính sinh viên khi ấy mang theo lí tưởng, hoài bão của tuổi trẻ vượt dãy Trường Sơn hướng về miền nam ruột thịt, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc.

Ấm áp chương trình “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” ảnh 1

Nhà báo Phùng Huy Thịnh, Chủ tịch Hội Sinh viên-Chiến sĩ 6971 chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Nửa thế kỷ đã qua đi, bằng xương máu, nước mắt, mồ hôi, Binh đoàn sinh viên 6971 đã gắn mình với mọi biến thiên của thời đại và đi lên cùng đất nước. 4.000 sinh viên ngày ấy ra đi, có hàng trăm người ngã xuống, trở thành hồn thiêng sông núi, sống mãi tuổi 20, như: Nguyễn Văn Thạc, Đinh Chí Dưỡng, Nguyễn Chí Thành...

Sau giải phóng miền nam, hòa bình lập lại, hàng trăm sinh viên trở thành thương binh, bệnh binh, rời quân ngũ không còn đủ sức khỏe, trí lực theo học các chuyên ngành khoa học mà mình theo đuổi khi xưa, đành phải chuyển ngành.

Cũng có hàng trăm sinh viên tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội, tiếp tục cống hiến xương máu và tuổi trẻ cho các cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ biên cương.

Nhiều sinh viên-chiến sĩ đã trở thành sĩ quan cao cấp... Nhiều người trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, những giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo... cống hiến lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ấm áp chương trình “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” ảnh 2

Các cựu sinh viên-chiến sĩ 6971 dâng hoa tại Đài kỷ niệm trong khuôn viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong khuôn khổ chương trình gặp mặt, các cựu chiến binh 6971, mỗi người trong tay 1 nhành huệ trắng, đã dâng hoa lên Đài kỷ niệm trong khuôn viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội để tưởng nhớ các đồng đội, những người lính sinh viên đã tham gia vào các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, anh dũng chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Ngoài ôn lại truyền thống vẻ vang của lực lượng sinh viên-chiến sĩ, Ban liên lạc Hội Sinh viên-Chiến sĩ 6971 đã tặng quà tri ân cho các thân nhân liệt sĩ.

Một số hình ảnh tại chương trình:

Ấm áp chương trình “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” ảnh 3

Các cựu sinh viên-chiến sĩ dâng hoa tại Đài kỷ niệm.

Ấm áp chương trình “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” ảnh 4

Các đại biểu tham dự chương trình.

Ấm áp chương trình “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” ảnh 5

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Hưng, giảng viên Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ tại chương trình.