Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận

Sáng 6/9/1971, từ 14 trường đại học trên miền bắc đồng loạt vang lên tiếng trống trường. Khác với mùa thu các năm trước, tiếng trống năm 1971 không phải trống khai trường mở đầu năm học mới, mà là tiếng trống trận, trống lệnh ra quân cho 4.000 cán bộ giảng dạy và sinh viên trẻ gác bút nghiên, nhập ngũ, lên đường ra trận trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Trường đại học Kinh tế quốc dân) trước giờ lên đường nhập ngũ vào tháng 9/1971. (Ảnh tư liệu)
Sinh viên Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Trường đại học Kinh tế quốc dân) trước giờ lên đường nhập ngũ vào tháng 9/1971. (Ảnh tư liệu)

Mùa thu năm 1971 là khoảng thời gian chiến dịch mùa xuân Đường 9-Nam Lào kết thúc với những chiến công giòn giã. Mặt trận phía nam năm ấy gần như nhỏ dần tiếng súng, đất nước như được nghỉ ngơi, hồi sức, nhưng thật ra là đang lặng lẽ chuẩn bị cho những trận đánh quyết định sắp tới. Sau lệnh động viên tuyển quân tại các trường đại học, sinh viên hối hả kết thúc kỳ nghỉ hè, lên tàu từ biệt quê hương.

Có những sinh viên từ Quảng Bình trên đường ra Hà Nội bị lỡ tàu, đã đi bộ hàng trăm cây số, phồng rộp da chân, đến trường cho kịp giờ nhập ngũ. Có thầy giáo không trả bài, không lộ điểm cho sinh viên nhập ngũ, động viên học trò của mình rất cảm động: "Thầy sẽ giữ bài các em, chờ các em sống và chiến thắng trở về rồi nhận bài. Hãy yên tâm, tất cả đều xứng đáng nhận điểm 10. Vì chẳng có giáo trình nào, môn học nào cao bằng giáo trình Tình yêu Đất nước. Tình nguyện lên đường là các em đã đạt điểm cao nhất ở tất cả các giáo trình rồi"…

Tháng 9 năm 1971 là tháng mưa nhiều, lũ lụt khắp nơi. Nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị vỡ đê. Nội thành Hà Nội bị đe dọa bởi nước sông Hồng dâng cao từng giờ. Không ít sinh viên nhập ngũ trước ngày 6/9/1971 còn phải đi "cứu sách", sơ tán sách của các thư viện từ tầng trệt lên các tầng cao đề phòng ngập nước.

Nhiều người đi "cứu sách", vừa đi, vừa đọc vội. Họ đọc một cách thèm khát những giáo trình chưa học, những cuốn sách kinh điển chưa được phép mượn. Cán bộ thư viện nhìn cảnh ấy không khỏi rơi nước mắt. Biết đâu hôm nay họ sẽ không có ngày trở về, họ đang đọc những trang sách cuối của cuộc đời mình.

Mùng 6/9 năm đó, nhiều bà mẹ tiễn con trên sân trường sụt sùi tiếng khóc. Trên sân trường Đại học Tổng hợp Hà Nội buổi sáng ấy, Giáo sư-Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum bước lên đài cao làm lễ xuất quân. Nhưng khi thầy đang đọc diễn văn ra quân thì một cơn gió mạnh nổi lên, lá cờ trên cao đột nhiên rơi xuống. Thầy đã nhanh tay đón lấy lá cờ, bước xuống hàng quân trao cho một sinh viên khoa Toán.

Hành động ấy tựa như biểu tượng gửi gắm niềm tin của nhân dân, đất nước cho những chiến sĩ sinh viên. Bốn nghìn cán bộ giảng viên, sinh viên từ 14 trường đại học miền bắc ra đi như một đoàn quân trí thức trẻ, một binh đoàn thường được gọi là "Binh đoàn 6971". Đây là đợt tuyển quân đông đảo nhất vượt xa quân số các đợt năm 1970 trước đó và 1972 sau này.

Nhiệm vụ đặc biệt của binh đoàn chính là đem tri thức học đường vừa tiếp thu rất mới mẻ, tỏa về các quân binh chủng phòng không, tăng thiết giáp cùng các sư đoàn 325, 308, 304 nhằm tăng thêm sức mạnh trí tuệ cho các đơn vị.

Nửa thế kỷ đã qua đi, bằng xương máu, nước mắt, mồ hôi, "Binh đoàn sinh viên 6971" đã gắn mình với mọi biến thiên thời đại và đi lên cùng đất nước. Trong số 4.000 cán bộ giảng viên, sinh viên ngày ấy ra đi, có hàng trăm người đã ngã xuống không về, trở thành hồn thiêng sông núi, sống mãi tuổi 20.

Sau chiến dịch Trị-Thiên năm 1972 giải phóng Quảng Trị, nối theo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, có hàng trăm sinh viên trở thành thương bệnh binh, rời quân ngũ không còn đủ sức khỏe, trí lự theo học các chuyên ngành khoa học mà mình theo đuổi khi xưa, đành phải chuyển ngành.

Cũng có hàng trăm sinh viên tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội, tiếp tục cống hiến xương máu và tuổi trẻ cho các cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ biên cương.

Hơn mười năm qua, những cựu chiến binh của sinh viên- chiến sĩ 6971 vẫn liên lạc với nhau, nối kết bạn bè đồng ngũ đang sinh sống rải rác khắp mọi miền Tổ quốc. Ngày 6/9 hằng năm (trừ một năm vì dịch Covid nặng nề), lần lượt 14 trường đại học trên miền bắc đã trở thành điểm hẹn cho các chiến binh 6971 hội tụ, gặp gỡ đồng đội cũ để hoài niệm lịch sử chiến trận, tìm lại qua bàn tay hơi ấm chiến hào, hát những bài ca cách mạng và lan tỏa tình đời, tình yêu đất nước.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho họ là xây dựng đài kỷ niệm những người lính giảng viên và sinh viên 6971. Bằng tiền lương tiết kiệm của cá nhân và tiền vận động quyên góp từ các đơn vị, tổ chức, các cựu chiến binh đã xây dựng 10 đài kỷ niệm trong các khuôn viên trường đại học. Mỗi đài kỷ niệm có một kiến trúc riêng, mang dấu ấn đặc trưng của từng trường đại học, nhưng đều gặp nhau ở điểm chung là biểu tượng tri ân liệt sĩ và ghi nhận công lao đóng góp của cán bộ, sinh viên nhập ngũ qua các cuộc chiến tranh giữ nước.

Ngày 6/9/2022 sắp tới, các cựu chiến binh "Binh đoàn 6971" lại hẹn gặp nhau trên mảnh đất xuất quân của Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Cách đây không lâu, một đài kỷ niệm đúc bằng đồng pha vàng đã được xây dựng tại đây. Đài mang hình cây bút như ghi nhận vào trời xanh những anh dũng kiên cường, những hy sinh bất khuất của binh đoàn sinh viên và cán bộ giảng viên đã tham gia quân ngũ của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội cũ.

Trong chương trình gặp gỡ các cựu chiến binh 6971 tới, các cựu chiến binh sinh viên 6971 từ mọi nẻo đường đất nước sẽ đổ về dâng hoa tại đài kỷ niệm với nhành hoa huệ trắng trong tay. Dù không có quy mô hoành tráng, cũng không đặt bát hương, nhưng đối với cán bộ, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và sinh viên cả nước hôm nay, đài kỷ niệm vẫn sẽ luôn là điểm hẹn văn hóa góp phần nhắc nhớ về truyền thống lịch sử cách mạng.