Đây là thông tin từ lễ ký kết dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025”, diễn ra ngày 24-5 tại Hà Nội.
Chương trình nằm trong nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Australia và các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhằm cam kết cùng hợp tác, kêu gọi nhiều nỗ lực chung hơn nữa nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam.
Triển khai từ tháng 6-2021 đến tháng 7-2025, dự án hướng tới mục tiêu tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực thông qua tăng cường các chiến lược phòng ngừa, các biện pháp ứng phó đa ngành nhằm thúc đẩy một số kết quả cụ thể.
Trước hết, thúc đẩy luật pháp và chính sách dựa trên bằng chứng, tăng cường phân bổ nguồn lực và cơ chế phối hợp cũng như trách nhiệm giải trình nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em phù hợp với các tiêu chuẩn và cam kết quốc gia và quốc tế.
Cùng với đó, ứng phó đa ngành được củng cố và hiệu quả hơn (bao gồm hệ thống, năng lực và cung cấp dịch vụ) giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân và người sống sót sau bạo lực.
Thêm vào đó, phòng ngừa bạo lực hiệu quả hơn, thúc đẩy thay đổi chuẩn mực giới và xã hội thông qua truyền thông sáng tạo dựa trên bằng chứng, nâng cao nhận thức, và huy động cộng đồng.
Cuối cùng, cải thiện nghiên cứu, thu thập, phân tích dữ liệu và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về cách tiếp cận dựa trên bằng chứng để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực.
Trước đó, Chính phủ Australia cũng hỗ trợ dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Chương trình được UNFPA, UNICEF và UNWomen phối hợp thực hiện từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021, cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và các bên liên quan.
Sau một năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả khả quan. Đáng chú ý, dịch vụ bảo vệ được cung cấp thông qua các đường dây nóng do Ngôi nhà Ánh dương, Ngôi nhà Bình yên và CSAGA điều hành đã phục vụ hơn 13.000 lượt người tham vấn, tư vấn và chuyển gửi. Trong số đó, 832 nạn nhân của bạo lực đã được hỗ trợ trực tiếp.
Hơn 6.600 bộ dụng cụ thiết yếu đã được cung cấp cho phụ nữ phải trải qua và có nguy cơ bị bạo lực tại các trung tâm cách ly, nhà tạm lánh, khu vực bị phong tỏa ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và Hải Dương.