Toàn quốc kháng chiến - Bản hùng ca về ý chí bảo vệ độc lập, tự do

86 ngày đêm anh dũng của quân dân Thành Nam

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng 0 giờ 30 phút ngày 20-12-1946, quân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhất loạt nổ súng trút lửa xuống đầu quân Pháp, mở màn cho cuộc chiến đầy cam go. Sau 86 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân dân Thành Nam cơ bản hoàn thành hai nhiệm vụ: Tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng; kiềm chế, giam chân một lực lượng lớn quân viễn chinh Pháp góp phần đánh bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.

Ông Tạ Quang Tám hồi tưởng những ngày chiến đấu kiên cường cuối năm 1946 tại TP Nam Định.
Ông Tạ Quang Tám hồi tưởng những ngày chiến đấu kiên cường cuối năm 1946 tại TP Nam Định.

Chúng tôi đến thăm ông Tạ Quang Tám, ở phường Thống Nhất, TP Nam Định, là nhân chứng trong cuộc chiến chống thực dân Pháp 86 ngày đêm của quân dân Thành Nam. Dù đã bước sang tuổi 86 nhưng ông Tám vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Vốn thông thạo địa hình thành phố cho nên ông Tám được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho một đại đội thuộc Trung đoàn 34 (E 34)- đơn vị bộ đội chủ lực trực tiếp chiến đấu bảo vệ TP Nam Định trong những ngày đầu kháng chiến.

Theo quy ước khi đại đội trợ chiến (thuộc E 34) bên kia sông Đào bắn quả đạn pháo 75 ly vào khu Nhà băng thì tiểu đoàn 69 (thuộc E 34) cho nổ quả mìn 15 kg tại cổng Nhà máy dệt làm hiệu lệnh phối hợp tiến công quân địch. Theo đó, tất cả các cỡ súng pháo trên khắp các trận địa của ta đều đã nhằm sẵn vào căn cứ địch nổ vang. Tự vệ các khu phố nổ mìn, ngả các cây to dọc phố Đinh Tiên Hoàng (nay là phố Trần Hưng Đạo) và đường từ Cửa Đông tới Tòa Thị sảnh (khu vực Bảo tàng tỉnh Nam Định hiện nay).

Nhân dân trong các khu phố đem đồ đạc trong nhà ra dựng chiến lũy ở các ngã ba, ngã tư đường phố; đồng thời tự động đốt nhà, đốt phố của mình góp phần uy hiếp quân địch. Những ngày còn lại của tháng 12-1946, chiến sự diễn ra quyết liệt ở nhiều vị trí trọng yếu, như khu Nhà ga, Nhà máy sợi, ngã tư Cửa Đông, Nhà băng… Quân Pháp dùng máy bay, xe tăng, hỏa lực mạnh liên tiếp phá vòng vây và ứng cứu cho nhau song đều bị quân ta chặn đứng. Đa-bô-van chỉ huy quân đội Pháp ở TP Nam Định đã điện về Bộ Chỉ huy của chúng thông báo: Nam Định đang lâm vào thế nghẹt thở và hoàn toàn bị cô lập, đề nghị được cứu nguy.

Ngày 6-3-1947, địch huy động 1.500 quân có 120 xe cơ giới, hai tàu chiến, bốn ca-nô và một đại đội thủy quân lục chiến có máy bay yểm trợ từ Hà Nội về giải vây cho lực lượng ở Thành Nam. Phần lớn bộ đội chủ lực của ta từ nội thành được rút ra vùng ngoài để đánh chặn viện binh địch và bảo toàn lực lượng. Dựa vào lợi thế quân đông, trang bị vũ khí hiện đại, quân Pháp điên cuồng tiến công. Bộ đội cùng tự vệ, dân quân du kích đã chiến đấu ngoan cường, mưu trí và sáng tạo. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, xưởng máy. Có trận đánh giáp lá cà. Đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là trận “huyết chiến” ở khu vực chợ Viềng (nay thuộc xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc), 11 cán bộ, chiến sĩ thuộc đại đội 11, tiểu đoàn 75 (thuộc E 34) đã chiến đấu đến quả lựu đạn cuối cùng. Trong đó, có bốn người anh trai của ông Tạ Quang Tám là Trung đội trưởng Tạ Quang Khả, Tạ Quang Hồng, Tạ Quang Thuấn và Tạ Quang Đức.

Đến ngày 15-3-1947, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vây hãm, tiến công quân đồn trú của Pháp ở Thành Nam, E 34 đã bí mật rút lui. Sau 86 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân dân Thành Nam cơ bản hoàn thành hai nhiệm vụ: Tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống hơn 400 tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng; kiềm chế, giam chân một lực lượng lớn quân viễn chinh Pháp góp phần đánh bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng, cùng cả nước vững tin bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Quân dân Thành Nam được biểu dương, nêu gương “anh dũng chống thủy, lục, không quân địch” tại Hội nghị Quân sự toàn quốc tổ chức đầu năm 1947.

Theo Trung tá Ngô Minh Đức, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự TP Nam Định, thắng lợi trong 86 ngày đêm của quân dân Thành Nam là sự kết tinh lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người Việt Nam, việc chấp hành nghiêm túc, triệt để các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, sự hợp đồng tác chiến của ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng dân quân, tự vệ) trong suốt quá trình tổ chức chiến đấu và trong từng trận đánh; sự phối hợp, chi viện của quân dân các huyện bạn, như gánh rơm rạ đi đốt thành phố, chặn đánh tàu chiến của giặc trên sông Hồng, sông Đào không cho địch tiến quân vào thành phố. Cùng với thắng lợi chung của toàn dân tộc, thắng lợi cuộc chiến 86 ngày đêm của quân dân Thành Nam đã làm sáng tỏ và hoàn thiện quan điểm chiến tranh nhân dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm lực lượng nòng cốt của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Nam Định luôn coi trọng công tác quốc phòng, quân sự địa phương, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh toàn diện, gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng TP Nam Định thành đô thị trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng. Từ năm 2010 đến nay, lực lượng vũ trang TP Nam Định liên tục được Bộ Quốc phòng, BTL Quân khu ba và UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những địa danh của 86 năm về trước, như Đông Mạc, trại Ca-rô, Nhà băng, Xưởng sợi C… nay được thay thế bằng những khu đô thị Hòa Vượng, khu công nghiệp Hòa Xá, Trung tâm thương mại... sầm uất. Thành Nam đang vươn mình bên dòng sông Đào thơ mộng, xứng đáng với truyền trống quê hương văn hiến, cách mạng và anh hùng.