60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam

NDO - Sự tăng trưởng của thị trường cùng với quy mô thị trường 100 triệu dân được đánh giá là những lợi thế hàng đầu giúp Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu đồ về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. (Nguồn: JETRO Hà Nội)
Biểu đồ về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. (Nguồn: JETRO Hà Nội)

Ngày 13/2 tại Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022.

Khảo sát được thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, châu Đại Dương. Trong số 4.392 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, có 603 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam (nhiều nhất ASEAN).

Nội dung khảo sát chủ yếu về triển vọng lợi nhuận kinh doanh, kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, xem xét lại chuỗi cung ứng, các vấn đề về quản lý, thu mua linh phụ kiện, nguyên vật liệu (ngành chế tạo), tình hình xuất nhập khẩu, các nỗ lực hướng tới giảm thiểu khí thải carbon, vấn đề nhân quyền trong chuỗi cung ứng, tiền lương.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội nhấn mạnh đến những đánh giá tích cực của nhà đầu tư nước này về triển vọng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy 59,5% doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tăng 5,2 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8%, giảm 7,8 điểm phần trăm. Xét theo ngành nghề, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi của ngành ngành chế tạo cao hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp có lãi của ngành phi chế tạo.

Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023, có 53,6% doanh nghiệp dự báo sẽ cải thiện hơn so năm trước, nhờ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch; 6,9% dự báo triển vọng kinh doanh suy giảm, nguyên nhân vì gia tăng hàng loạt chi phí như logistics, chi phí thu mua nguyên vật liệu, phí nhân công…

Đáng lưu ý, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và xét theo khu vực chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh. Các doanh nghiệp Nhật Bản dự tính mở rộng kinh doanh từ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam.

60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam ảnh 1

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội chủ trì họp báo.

Cũng theo ông Nakajima Takeo, xu hướng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra như những năm đại dịch Covid-19. Theo đó, nhà đầu tư Nhật Bản vẫn duy trì hoạt động của các nhà máy sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao tại Trung Quốc, đồng thời mở rộng đầu tư sang Việt Nam với phân khúc sản phẩm thông dụng và một phần sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp Nhật Bản cũng có xu hướng xem xét lại chuỗi cung ứng, thu mua để đối phó với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của tình hình chiến sự Nga-Ukraine. Biểu hiện cụ thể, rõ ràng của việc xem xét lại điểm thu mua là hình thức chuyển thu mua từ Trung Quốc hoặc từ Nhật Bản sang Việt Nam.

“Các doanh nghiệp đa quốc gia của Nhật Bản trước đây thực hiện thu mua nguyên liệu từ nơi có chi phí rẻ nhất, nhưng hiện nay chuyển sang thu mua từ nơi gần nhất để giảm thiểu rủi ro, cho dù chi phí cao. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam còn có những điểm chưa khớp. Nguyên nhân vì chi phí thu từ nhà cung ứng của Việt Nam cao, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu và hạn chế trong việc đáp ứng đơn hàng lớn. JETRO đang có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hai nước nhằm phối hợp tốt hơn vấn đề này, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hoá”, ông Nakajima Takeo cho biết.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 37% và tỷ lệ thu mua nguyên vật liệu từ doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức 15%. Các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, khi tỷ lệ nội địa hóa khó nâng lên nhưng chi phí tiền lương tăng nhanh, doanh nghiệp rất khó để giảm chi phí sản xuất. Để hoạt động có hiệu quả, nhà đầu tư sẽ tính toán thu hẹp sản xuất tại Việt Nam và dịch chuyển sản xuất sang thị trường cạnh tranh hơn là Bangladesh, xu hướng này đang diễn ra trong ngành dệt may.