Gần 525 nghìn lao động ở doanh nghiệp FDI Nhật Bản tham gia bảo hiểm xã hội
Chiều 11/10, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Với sự tham gia của đại diện gần 100 doanh nghiệp FDI Nhật Bản đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện cung cấp thông tin, tạo diễn đàn trao đổi, giải đáp các vướng mắc. Đồng thời, hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, gắn kết của khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Hội nghị cũng thông tin về thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam (Nghị định số 143).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nỗ lực cải cách, đổi mới, phát triển ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, trong đó có khối các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo báo cáo, ước đến hết tháng 9/2022, cả nước có khoảng 87,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 91% dân số; 17,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (bao gồm người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI), đạt 33% lực lượng lao động.
Tính riêng khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam, có hơn 2.100 doanh nghiệp với gần 525 nghìn lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trong số này, có khoảng 522,9 nghìn lao động là người Việt Nam và 2,1 nghìn lao động là người nước ngoài. Số thu bảo hiểm xã hội của khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam chiếm 12,9% tổng thu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Bày tỏ mong muốn hội nghị đối thoại của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các doanh nghiệp FDI Nhật Bản sẽ được tổ chức thường xuyên, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Sasaki Shohei chia sẻ, nước này luôn coi trọng sự đầu tư vào thị trường nước ta trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao của hai nước ngày càng phát triển.
Ở khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam, có hơn 2.100 doanh nghiệp với gần 525 nghìn lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trong số này, có khoảng 522,9 nghìn lao động là người Việt Nam và 2,1 nghìn lao động là người nước ngoài. Số thu bảo hiểm xã hội của khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam chiếm 12,9% tổng thu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Cũng theo ông Sasaki Shohei, hiện nay, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Chỉ tính riêng số lượng hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 2.000 doanh nghiệp. Đây là con số rất ấn tượng về số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào một quốc gia, cho thấy Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn, thân thiện.
Ông Sasaki Shohei nhấn mạnh, trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Khi Nghị định số 143 của Chính phủ Việt Nam có quy định người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn ý thức rõ hơn về quyền, trách nhiệm tham gia cho người lao động trong doanh nghiệp của mình. Vì vậy, hội nghị lần này là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục nắm bắt thông tin và tìm hiểu sâu hơn nữa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định của Việt Nam để triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn.
Đối với doanh nghiệp FDI 100% vốn Nhật Bản, đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 43.305 người. Con số này chiếm 7% trong tổng số người lao động được chi trả trợ cấp thất nghiệp trong khối doanh nghiệp FDI, với gần 5.780 tỷ đồng.
Còn theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 8/2022, với các doanh nghiệp FDI trên toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố, đã giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho hơn 13,6 triệu lượt người (trong đó tại các doanh nghiệp FDI 100% vốn Nhật Bản là hơn 1,7 triệu lượt người, chiếm 13%) với tổng số tiền gần 25.640 tỷ đồng; 5.606 người hưởng chế độ tử tuất với số tiền hơn 491 tỷ đồng; 3.871 người hưởng chế độ hưu trí với số tiền 32,7 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 633.450 người lao động thuộc doanh nghiệp FDI với số tiền hơn 73.089 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp FDI 100% vốn Nhật Bản, đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 43.305 người. Con số này chiếm 7% trong tổng số người lao động được chi trả trợ cấp thất nghiệp trong khối doanh nghiệp FDI, với số tiền gần 5.780 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 228.976 lượt người lao động làm việc tại doanh nghiệp FDI đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với số tiền được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 58,9 tỷ đồng. Trong đó, có 37.025 lượt người đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc doanh nghiệp FDI Nhật Bản với số tiền được quỹ bảo hiểm y tế chi trả là 7,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp trước các tác động của dịch Covid-19, trong đó có doanh nghiệp FDI. Cụ thể, cơ quan này đã chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và triển khai quyết liệt, hiệu quả các gói hỗ trợ này.
Có lộ trình cho Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa 2 nước
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đào Việt Ánh trao Bằng khen cho các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam. (Ảnh: VSS) |
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị định số 143 của Chính phủ Việt Nam có quy định, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 1/1/2022, ràng buộc trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp và người lao động. Đây là mối quan tâm chung của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp FDI Nhật Bản.
Để tránh việc đóng song trùng bảo hiểm xã hội, tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, hai nước đang tiến hành các thủ tục trao đổi, cập nhật thông tin, lộ trình chuẩn bị cho việc đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.
Bên cạnh việc thông tin về bức tranh khái quát tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của khối doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp FDI Nhật Bản nói riêng cũng như phổ biến các quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động nước ngoài theo Nghị định số 143, hội nghị đã dành thời gian để đại diện cơ quan bảo hiểm xã hội và các doanh nghiệp FDI Nhật Bản cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các vấn đề liên quan khâu tổ chức, thực hiện.
Một số nội dung chính được các đại biểu quan tâm. Cụ thể như: bảo đảm quyền an sinh xã hội của lao động Nhật Bản tại Việt Nam theo Nghị định số 143; các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép hành nghề của lao động phái cử, khám, chữa bệnh, giải quyết chế độ cho lao động nước ngoài có thời gian làm việc tại Việt Nam, tăng giảm mức đóng…
Theo đó, với các nội dung liên quan trong thẩm quyền của ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp thu các ý kiến tham gia, đề xuất, tiếp tục hoàn thiện các quy trình thủ tục nội bộ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp FDI. Còn với các nội dung ngoài thẩm quyền của ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi các cơ quan hữu quan của Chính phủ Việt Nam xem xét, giải quyết…
Để tránh việc đóng song trùng bảo hiểm xã hội, tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động, hai nước đang tiến hành các thủ tục trao đổi, cập nhật thông tin, lộ trình chuẩn bị cho việc đàm phán Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.